Thứ Bảy, 14 tháng 6, 2014

Chiến lược bắp cải của Trung Quốc (Lữ Giang)

Posted By Unknown on Thứ Bảy, 14 tháng 6, 2014 | 07:04

“…Chiến lược bắp cải của Trung Quốc đại khái như sau: Sử dụng nhiều lớp tàu đủ loại khác nhau gióng như các lớp lá của một bắp cải để bao vây cô lập một khu vực đảo hay bãi cạn nào đó. Thông thường có ba lớp tàu: (1) Trong cùng là các tàu đánh cá tiến hành các hoạt động đánh bắt thủy sản…”

Ngày 28/4/2013, báo China Daily Mail của Trung Quốc đã cho phổ biến rộng rãi bài nói chuyện của Trung tướng Trương Triệu Trung (Zhang Zhaozhong) về chiến lược "giành lại" (recover) bãi cạn Scarborough mà Philippines đã chiếm giữ và gọi đó là "chiến lược bắp cải" (cabbage strategy). Nhân vụ này, ông thông báo cho thế giới biết Trung Quốc sẽ dùng chiến lược này để "giành lại" các đảo khác trên biển mà theo ông đã bị các nước khác chiếm đoạt.

(Vị trí của Scarborough Shoal trên Biển Đông)

Đây là bài nói chuyện đã khiến Hoa Kỳ và các nước Á Châu quan tâm: Với "chiến lược bắp cải",sau bãi đá Scarborough, Trung Quốc sẽ tiến tới đâu trên Biển Đông và Biển Hoa Đông? Trên tở The Diploma của Nhật, bình luận gia Harry Kazianis đã viết một bài dưới đầu đề "Sự mở rộng chiến lược bắp cải của Trung Quốc" (China’s Expanding Cabbage Strategy) với câu mở đầu: "Sau khi theo đuổi chiến lược bắp cải ở Biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông) trong nhiều năm, liệu Bắc Kinh có dùng chiến lược này để chống Nhật Bản hay không?".

Để góp phần vào việc làm sáng tỏ thủ đoạn thâm độc của Trung Quốc trên Biển Đông, trước hết chúng tôi xin trình bày qua tiến trình của cuộc tranh chấp về bãi cạn Scarborough, vì đây là nơi Trung Quốc áp dụng đầu tiên "chiến lược bắp cải" của họ để chiếm đoạt, sau đó chúng tôi sẽ trình bày toàn bộ "chiến lược bắp cải" của Trung Quốc được Tướng Trương Triệu Trung tiết lộ.

Cuộc tranh chiếm bãi cạn Scarborough

Bãi cạn Scarborough tiếng Anh gọi là Scarborough Shoal, tiếng Phi là Panatag Shoal và tiếng Hán Việt là Hoàng Nham đảo. Đây là một đảo san hô vòng gồm nhiều đá ngầm và đá nổi, cách vịnh Subic của Phi 123 hải lý (198 km) và đảo Luzon 137 hải lý (220 km) về phía tây, cách Trung Quốc hơn 800 hải lý về phía bắc. Bãi này được nhô lên từ một đồng bằng nắm dưới sâu khoảng 3.500m. Bãi mang tên một thương thuyền buôn trà tên là Scarborough bị đắm ở đây vào ngày 12/9/1784. Mọi người trên tàu đều bị thiệt mạng.

Bãi có hình tam giác với chu vi 55 km và tổng diện tích (gồm cả vùng nước cạn) là 150 km2. Ở giữa có một cái đầm nước nông có diện tích 130 km2 với độ sâu 15 m.

Việt Nam, Phi, Đài Loan và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền về đảo này. Năm 1965, Phi đã xây một ngọn hải đăng bằng sắt tại đây và coi bãi Scarborough thuộc quyền sở hữu của Phi vì năm trong vùng đặc quyền kinh tế (200 hải lý) của Phi. Nhưng Trung Quốc lại cho rằng đây là một phần lãnh thổ của nước này, ít nhất là từ thế kỷ 13, và họ còn đưa ra các bản đồ cổ làm bằng chứng.

Chuyện gái đĩ già mồm

Trong cuộc nói chuyện ở trên, Tướng Trương Triệu Trung nói:

"Chúng ta nên làm gì đối với những hòn đảo và những rạn san hô? Tôi nghĩ rằng trong phần cốt yếu chúng ta đã làm một số điều tương đối thành công trong việc đối phó với Philippines. Từ những năm 1990, Philippines đã thực hiện một vài điều bất hợp pháp và bất hợp lý trong âm mưu biến đảo Hoàng Nham thành lãnh thổ của mình bằng sắc lệnh của tổng thống, bằng luật pháp trong nước, và vân vân.

"Mỗi lần Bộ Ngoại giao của chúng ta phản đối, họ đều không chịu nghe. Trong khi đó, họ đã bận rộn làm điều này điều kia, chẳng hạn như đánh chìm một chiếc thuyền ở đó và tiến hành rất nhiều cuộc tuần tra ở đó. Tháng tư năm 2012, một biến cố cuối cùng đã xảy ra là họ đã chủ động bắt giữ ngư dân Trung Quốc bằng vũ lực ; họ đưa quân đến và dùng súng bắt giữ các ngư dân Trung Quốc đi vào đầm để thực hiện việc đánh bắt cá bình thường.

"Kể từ đó, chúng tôi đã bắt đầu có biện pháp bịt kín và kiểm soátcác khu vực xung quanh đảo Hoàng Nham (Scarborough), bít kín và kiểm soát liên tục cho đến nay. Trong thời gian hơn một năm kể từ đó, đã có ngư dân ở bên trong. Ngư dân của chúng ta thường vào đó bởi vì ở đó có rất nhiều cá. Ngư dân dùng các tàu lớn đến đó rồi đi thuyền nhỏ vào đầm để đánh cá. Họ có thể có nơi trú ẩn trong đầm khi có một cơn bão.

"Chiến lược bắp cải" được áp dụng

Chiến lược bắp cải của Trung Quốc đại khái như sau: Sử dụng nhiều lớp tàu đủ loại khác nhau gióng như các lớp lá của một bắp cải để bao vây cô lập một khu vực đảo hay bãi cạn nào đó. Thông thường có ba lớp tàu: (1) Trong cùng là các tàu đánh cá tiến hành các hoạt động đánh bắt thủy sản, (2) tiếp đến là các tàu ngư chính hoặc tàu hải giám thực hiện tuần tra, và (3) ngoài cùng là các chiến hạm của hải quân có nhiệm vụ bảo vệ các tàu bên trong.

Tướng Trương Triệu Trung nói:

"Các ngư dân tiến hành sản xuất bình thường ở đó. Trong khu vực xung quanh đảo, tàu quản lý đánh cá và tàu hải giám đang tiến hành tuần tra bình thường trong khi ở vòng ngoài có chiến hạm của hải quân. Do đó hòn đảo được bao bọc bởi lớp lớp như một bắp cải. Kết quả, một chiến lược cải bắp đã được hình thành(As a result, a cabbage strategy has taken shape).

"Nếu người Philippines muốn vào thì ở khu vực ngoài cùng, trước tiên họ phải hỏi xem hải quân của chúng ta có cho phép không. Sau đó họ phải hỏi các tàu quản lý ngư nghiệp và các tàu hải giám của chúng ta có cho phép không. Vì vậy, ngư dân của chúng ta có thể thực hiện sản xuất một cách an toàn trong khi các quyền trên biển của đất nước và lợi ích của chúng ta cũng như chủ quyền được bảo vệ an toàn. Điều đó không thỏa đáng sao?"

Triển khai "chiến lược bắp cải"

Tướng Trương Triệu Trung nhấn mạnh:

"Chúng ta có thể áp dụng phương pháp này ở những nơi khác. Chúng ta đã không dùng đến chiến tranhvà chúng ta đã không buộc người khác làm bất cứ điều gì, có phải không? Quý vị đã xâm chiếm và sau đó đã rời đi. (You have invaded and then left). Quý vị đã vi phạm luật pháp Trung Quốc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, có phải không? Tại sao quý vị chỉa súng vào các ngư dân của chúng tôi? Vì quý vị đã vi phạm pháp luật trước tiên và chỉa súng vào ngư dân của chúng tôi, quý vị sẽ không bao giờ được cho phép vào khu vực.

"Chúng ta nên làm nhiều hơn những điều như vậy trong tương lai. Đối với những hòn đảo nhỏ như vậy, chỉ có một vài nhóm chiến binh có thể trú đóng trên từng đảo đó, nhưng không có thức ăn thậm chí nước uống ở đó. Nếu chúng ta thực hiện "chiến lược bắp cải", quý vị sẽ không thể gởi thực phẩm và nước uống vào đảo. Khi không được cung cấp trong một hoặc hai tuần, các nhóm quấn trú đóng ở đó sẽ rời khỏi hòn đảo của chính họ. Một khi họ đã rời đi, họ sẽ không bao giờ có thể quay trở lại.

"Đối với nhiều sự việc, chúng ta phải nắm đúng thời điểm để thực hiện. Trong vài năm qua, chúng tôi đã thực hiện một loạt các thành tích tại quần đảo Nam Sa (Trường Sa), tôi nghĩ rằng thành tích lớn nhất trong các thành tích đó là trên đảo Hoàng Nham, Meiji Reef (Mischief Reef) và Ren'ai Shoal (Thomas Shoal thứ hai).

"Chúng tôi đã có kinh nghiệm rất khả quan về những cách để giành lại lại các hòn đảo và rạn san hô và bảo vệ chúng. Đối với quần đảo Nam Sa và Tây Sa (Hoàng Sa), chúng tôi đã thành lập Tam Sa thành phố để quản trị chúng. Đó là một bước tiến tốt, chúng tôi đã thực hiện.

"Bước tiếp theo sẽ là việc tăng cường sức mạnh và quyền hành trong việc thực hiện pháp luật của chúng ta trong việc quản lý của chúng ta. Bước tiếp theo xa hơn là phát triển mạnh ở đó, bao gồm cả việc phát triển kinh tế, du lịch, hải sản và bảo vệ biển.

"Chúng ta phải làm việc nhiều hơn nữa ở đó, và phối hợp các nỗ lực khác nhau. Chúng ta không nên chỉ dựa vào nỗ lực quân sự. Trong viễn tượng về quân sự, chiến đấu là phương sách cuối cùng trong khi trước phương sách đó, phải sản xuất trên quy mô lớn và với sự nhiệt tình cao và sản xuất quy mô lớn ở trên biển. Đó là lý do tại sao tôi nói rằng chúng tôi phải tạo ra một môi trường và không khí như vậy".

Trong thực tế, Trung Quốc cũng đã áp dụng chiến lược bắp cải để khống chế một số đảo khác như đảo Cỏ Mây, đảo Trăng Khuyết, đảo Vành Khăn, v.v. Hiện nay, Trung Quốc đang dùng chiến lược bắp cải để bảo vệ giàn khoan Hải Dương HD-981.

Cách ứng phó của Philippines

Ngày 8/4/2012, Philippines phát hiện 8 tàu đánh cá của Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough và một số lượng lớn hải sản bị đánh bắt trái phép. Philippines bắt giữ các ngư dân và tàu. Nhận được tin này, 2 tàu hải giám của Trung Quốc đã tới khu vực này và chặn lối vào đầm. Philippines gởi soái hạm BRP Gregorio del Pilar đến thì bị hai tàu hải giám Trung Quốc chặn không cho vào. Ngày 10/4/2012, hai tàu hải giám Trung Quốc lại ngăn chặn một chiến hạm của Philippines không cho bắt giữ các ngư dân Trung Quốc. Cuối tháng 5/2012, Trung Quốc triển khai thêm 7 tàu hải giám và các tàu của ủy ban nghề cá.

Qua trung gian của Mỹ, hai chính phủ đã thực hiện nhiều cuộc thương thuyết để giải quyết các tranh chấp. Đầu tháng 6, Philippines công bố một thỏa thuận đã đạt được với phía Trung Quốc về việc hai bên cùng rút các tàu của mình. Tuy nhiên, sau khi rút, Trung Quốc đã quay trở lại và duy trì sự hiện diện thường trực ở vùng biển xung quanh bãi cạn Scarborough. Trung Quốc còn dùng dây thừng chăng ở lối ra vào duy nhất, nhằm ngăn các tàu đánh cá khác vào khu vực đầm của bãi cạn.

Trước tình trạng này, ngày 22/1/2013 Philippines đã yêu cầu một Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế can thiệp vào cuộc tranh chấp từ lâu đời với Trung Quốc. Đơn kiện chủ yếu yêu cầu tòa: (1) Tuyên bố đường chín đoạn của Trung Quốc là trái với Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và không căn cứ (invalid), (2) xác định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines, và (3) chủ quyền về một số cấu trúc địa chất trên Biển Đông vốn là những đảo đá hay bãi cạn mà Trung Quốc đã chiếm đóng.

Tháng 4/2014, chính quyền Bắc Kinh đã áp dụng một số biện pháp chế tài về kinh tếđối với Philippines: Đình chỉ các chuyến du lịch của người Trung Quốc, kiểm dịch ngặt nghèo hơn đối với hoa quả nhập khẩu của Philippines, trong đó có mặt hàng chính là chuối, làm nước này khốn đốn.

Chưa tìm ra cách đối phó

Như đã nói ở trên, Trung Quốc chủ trương không dùng quân sự để đánh chiếm các vị trí trên Biển Đông như năm 1974 và năm 1988 nữa. Trung Quốc quyết định dùng "chiến lược bắp cải" để áp đặt chủ quyền tại những nơi họ muốn. Chiến thuật của Trung Quốc là không nổ súng. Nhưng nếu bên kia nổ súng trước thì phản ứng mạnh, viện lý do tự vệ. Cả Philippines lẫn Việt Nam đều biết rõ điều đó.

Trung Quốc cũng tiên liệu qua vụ kiện của Philippines, Tòa Án Trọng Tài có thể tuyên bố "vùng nước lịch sử" (historic waters) trong đường chín đoạn mà Trung Quốc đã vẽ ra không phù hợp với Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 và không căn cứ (invalid), nên Trung Quốc phải xây dựng thêm trên bãi đá Gạc Ma (South Johnson Reef) ở Trường Sa các sơ sởđể biến nơi đây thành nơi có sự sống tự nhiên rồi dựa vào đó đòi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý cho Trường Sa, như họ đã làm ở Hoàng Sa.

Hoa Kỳ, Nhật Bản, Philippines cũng như Việt Nam đều đã biết rõ "chiến lược bắp cải" của Trung Quốc và mỗi nước đang có những tính toán riêng hay chung. Điều chắc chắn là Mỹ không can thiệp vào các vụ tranh chấp về chủ quyền giữa Trung Quốc với Philippines và Việt Nam, mặc dầu Mỹ có hiệp ước bảo vệ Philippines năm 1951. Trong bài "Appeasing China" (Làm nguôi Trung Quốc), đăng trên Fortuna’s Corner ngày 19/3/2013, Gordon G. Chang, tác già của tập "The Coming Collapse of China" (Sự sụp đổ đang đến của Trung Quốc) đã kết luận:

"Người Tàu biết rằng Hoa Kỳ không làm gì để thách thức họ sau hành động rõ ràng của họ là xâm chiếm Scarborough. Để làm cho các vấn đề trở nên tồi tệ hơn, Washington đã không hành động ngay cả khi Trung Quốc thoái thác thi hành thỏa ước mà Hoa Kỳ đã đứng ra làm trung gian".

Trong tình trạng như vậy, Hà Nội không tin Biển Đông sẽ không mất nếu đi với Mỹ.

Ngày 12/6/2014
Lữ Giang
Nguồn: http://ethongluan.org
Đăng ở đây ngày 14/06/2014
__________________
Bài viết liên quan:
Thêm 11 giàn khoan Trung Quốc sắp vào Biển Đông!
Trung Quốc tung giàn khoan thứ 2 ra biển Đông
Bản đồ Biển Đông thời Việt Nam Cộng Hòa
Trung Cộng khó thoát khỏi Thiên La Địa Võng của Hoa Kỳ
Nhà tiên tri Trần Dần phán chuyện HD-981 ở Hoàng Sa
Nếu phải đánh nhau?

Đăng nhận xét