Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

Người dân Việt Nam sẽ ra sao khi nhà nước …vỡ nợ?

Posted By Unknown on Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014 | 19:26

(Việt Hoàng -ethongluan): Trong bài viết, "Ba tháng mất một tỉ đôla, bao giờ Việt Nam vỡ nợ?" qua ý kiến của các chuyên gia Việt Nam trong nước, chúng tôi đã phân tích rằng tình hình kinh tế của Việt Nam là rất nguy ngập vì nhà nước Việt Nam có nguy cơ …vỡ nợ rất cao.

Thật ra điều này cũng không có gì là bí mật và khó đoán. Nền kinh tế Việt Nam vận hành theo kiểu …không giống ai, kinh tế thị trường không ra kinh tế thị trường, kinh tế bao cấp không ra kinh tế bao cấp. Nó giống với nền kinh tế tư bản hoang dã cách đây hơn 100 năm về trước. Kẻ mạnh, tức là các phe nhóm lợi ích và thân tộc của giới quan chức Việt Nam tha hồ làm mưa làm gió và lũng đoạn hoàn toàn nền kinh tế Việt Nam.

Đã có người đặt câu hỏi rằng tại sao đảng cộng sản Việt Nam vẫn có thể tồn tại đến bây giờ? Họ lấy đâu ra tiền để trả lương cho cán bộ công nhân viên chức nhà nước cũng như giới quân đội và công an? Ai cũng biết là Việt Nam có đến hai bộ máy cầm quyền song trùng, một bên là chính quyền và một bên là đảng. Bên chính quyền có cơ quan nào thì bên đảng cũng có cơ quan đấy, cũng hưởng lương ngân sách và có bộ máy nhân sự như nhau. Chỉ khác mỗi điều là nếu có chuyện gì xảy ra thì chỉ bên chính quyền chịu tội còn bên đảng thì vô can vì đảng chỉ “chỉ đạo” chung chứ không làm gì cụ thể.

Rõ ràng là thắc mắc này rất có lý vì ai cũng thấy lạ là không hiểu đảng lấy đâu ra tiền để trả lương cho bộ máy công chức cồng kềnh vào loại nhất thế giới như vậy. Đầu tiên ai cũng hiểu, tiền chi trả lương và các khoản chi cho đầu tư công đều lấy từ ngân sách nhà nước, tức là từ tiền đóng thuế của nhân dân. Và ai cũng biết là tiền thuế thu được từ các hoạt động kinh doanh của người dân Việt Nam rất hạn chế vì vấn nạn tham nhũng. Thay vì nộp thuế các công ty nộp tiền cho các quan tham, và đương nhiên các khoản tiền đóng thuế đen (hụi chết) cho quan chức tham nhũng phải ít hơn rất nhiều so với số tiền phải nộp vào cục thuế. Việc các công ty khổng lồ FDI như Metro, Coca-cola, Toyota …kinh doanh tại Việt Nam hàng chục năm qua không đóng một đồng tiền thuế nào là bằng chứng cho sự đi đêm và tham nhũng kinh khủng của quan chức Việt Nam.

Khi ngân sách thâm thủng vì chi nhiều hơn thu do vấn nạn tham nhũng thì nhà nước sẽ lấy gì để chi trả lương? Dễ làm nhất đó là trả lương cho cán bộ công chức rất thấp, chỉ tượng trưng là chính và sau đó là tạo ra cơ chế để cán bộ công chức nhà nước tham nhũng, vòi vĩnh và trấn lột của người dân. Dù Việt Nam là nhà nước xã hội chủ nghĩa, trên lý thuyết đó là nhà nước “của dân, do dân và vì dân”, việc học hành hay chăm sóc y tế đều không mất tiền nhưng thực tế thì đi thang máy hay toa-lét trong bệnh viện cũng phải trả tiền. Người dân Việt Nam phải mất tiền cho quan chức, dù là cấp xã để xin một con dấu chứng thực việc gì đó. Và gánh nặng ngân sách lớn nhất của chính quyền Việt Nam đó là chi trả lương cho khối quân đội và công an. Đây là hai thành phần được ưu tiên đặc biệt vì vai trò quan trọng của họ trong việc đảm bảo sự ổn định và bình yên cho đảng và chính quyền (chứ không phải cho người dân). Lương của họ rất cao, vì để mua chuộc lòng trung thành của họ, nhà nước trả lương cho họ rất hậu hĩ. Cấp tá về hưu có thể nhận lương hàng chục triệu đồng mỗi tháng, trong khi người công nhân làm tối mặt trong nhà máy lương chỉ vài ba triệu. Không đủ sống và lo cho gia đình mình. Vì bổng lộc rất cao đó nên ông đại tá-giáo sư Trần Đăng Thanh trong một cuộc nói chuyện với các giáo viên khối đại học cao đẳng đã đem cuốn sổ hưu ra để dọa rằng nếu không còn đảng thì họ sẽ không có “sổ hưu”. Thật ra số tiền lương mà những người này nhận được nhiều hơn những người khác là do chính quyền bớt xén từ đồng lương còm cõi của chính con em họ. Có một câu chuyện vui rằng, một ông trọc phú, trời nắng, đi thăm đồng về mồ hôi nhễ nhại liền gọi anh đầy tớ quạt cho mát. Sau một hồi lâu ông trọc phú hết mồ hôi và cười nói với anh đày tớ rằng: “Hay thật, mồ hôi của mình đi đâu hết rồi nhỉ?” Anh đầy tớ lễ phép: “Thưa ông, mồ hôi của ông đã chạy hết sang người con rồi ạ”. Như vậy, những người không làm gì mà tự nhiên lương cao hơn người khác phải hiểu rằng tiền đó là lấy từ tiền mồ hôi nước mắt của người khác, của chính con cháu mình chứ không phải do lòng tốt của nhà nước. Nên nhớ nhà nước không làm gì ra tiền cả.

Ngay cả trong trường hợp nhà nước bớt xén tiền của người dân thấp cổ bé họng là công nhân và nông dân để trả lương cao cho quân đội và công an thì liệu có đủ không? Chắc chắn là không vì người nông dân và công nhân Việt Nam bị giới chủ bóc lột đến tối đa rồi còn đâu để chính quyền nắn bóp tiếp. Vậy nhà nước lấy đâu ra tiền để chi trả? Xin thưa đó là tiền bán tài nguyên của đất nước. Không phải tự nhiên mà chính quyền khăng khăng cho Trung Quốc khai thác Bô-xít ở Tây Nguyên hay cho thuê rừng đầu nguồn mười tỉnh biên giới hay bán đất cho Formosa Hà Tĩnh lên đến 70 năm… Nhà nước sẽ bán tất tật những gì có thể bán được và đối tác quan trọng nhất trong vụ mua bán này là Trung Quốc. Đừng lấy làm lạ khi người Việt thất nghiệp tràn lan, phải tha phương cầu thực mà sắp tới mười vạn công nhân Trung Quốc sẽ sang Vũng Áng làm việc. Người dân Việt Nam cũng đừng thắc mắc vì sao chính quyền không kiện Trung Quốc ra các tòa án quốc tế sau khi Trung Quốc ngang ngược đặt giàn khoan HD-981 vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam. Ủy viên bộ chính trị Lê Hồng Anh sang Trung Quốc làm dịu tình hình để làm gì? …Câu trả lời đã được Chuẩn đô đốc Lê Quế Lâm bật mí trong cuộc tiếp xúc của ông chủ tịch Trương Tấn Sang với cử tri TP HCM rằng Trung Quốc đã hứa cho Việt Nam vay 20 tỉ đôla ODA và 100 tỉ đôla tín dụng. Đây là miếng mồi và cũng là thòng lọng đang buộc vào cổ chính quyền lẫn nhân dân Việt Nam.

Một lý do nghiêm trọng khiến ngân sách Việt Nam thất thu đó là thời gian qua đã có hàng trăm ngàn công ty tư nhân vỡ nợ và phá sản. Người lao động bị thất nghiệp và ngân sách nhà nước thì thất thu. Tất cả đều vì chính sách ưu đãi quá đáng của chính quyền dành cho khối doanh nghiệp nhà nước và FDI. Các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vừa nhỏ, vừa yếu lại bị chèn ép và cạnh tranh không lành mạnh nên đã nhanh chóng đổ vỡ. Bong bóng bất động sản cũng góp một phần không nhỏ vào núi nợ xấu của các ngân hàng khiến dòng tín dụng dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị bế tắc dẫn đến sự phá sản hàng loạt các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua.

Sỡ dĩ chính quyền Việt Nam vẫn có thể chống chọi được với thời gian cũng nhờ một phần lớn vào tiền vay mượn của nước ngoài (nợ công). Đáng lẽ số tiền này là để đầu tư cho các công trình cơ sở hạ tầng như giao thông, điện, nước, cảng, biển, nhà máy và phục vụ các công trình dân sinh để tạo động lực cho sự phát triển bền vững. Thế nhưng số tiền này đã không được dùng đúng mục đích và bị thất thoát nghiêm trọng do nạn tham nhũng, nhất là trong đầu tư công. Hiện tại nhà nước Việt Nam đã phải đi vay nợ để trả nợ, đây là một sự việc rất không bình thường, nguy cơ vỡ nợ là điều không thể tránh khỏi

Một người, với một kiến thức sơ đẳng về kinh tế cũng có thể biết rằng trong một gia đình, một công ty hay một quốc gia cũng đều vậy cả, khi thu không đủ chi thì sự phá sản là điều đương nhiên và sự vô lý này không thể kéo dài mãi được. Vậy nếu nhà nước Việt Nam phá sản thì cuộc sống người dân sẽ ra sao? Có lẽ đến giờ này người dân Việt Nam vẫn chưa hình dung ra được sự nghiêm trọng của vấn đề. Người dân quê thì cho rằng sống khổ thể này là hết mức rồi không thể khổ hơn được nữa. Người dân thành phố đặc biệt là Hà Nội và TP HCM thì vẫn vô tư. Buổi tối các quán nhậu vẫn chật cứng người và rượi bia vẫn chảy tràn như suối. Đa số đều tin rằng kiểu gì nhà nước cũng phải giữ sự ổn định và sẽ không có gì xảy ra vì mọi chuyện đã có “đảng và nước lo” rồi …Vậy sự thực là như thế nào?

Nếu nhà nước vỡ nợ thì hệ lụy đầu tiên là các Quĩ Bảo hiểm xã hội, tức là Quĩ Hưu trí sẽ vỡ theo vì tiền của Quĩ Hưu trí “chủ yếu cho ngân sách nhà nước vay và mua trái phiếu chính phủ”. Những người hưu trí sẽ không còn nhận được lương nữa. Khi khủng hoảng xảy ra thì trái phiếu nhà nước và đồng nội tệ chỉ còn là mớ giấy lộn, giá đôla sẽ không còn nằm ở 21.000VNĐ đổi một đôla mà có thể là 30-40.000VNĐ đổi một đôla, thậm chí cao hơn nữa. Tiền của người dân gửi trong ngân hàng sẽ mất giá rất nặng so với đôla. Ai đã từng ở Nga hồi năm 1991 khi Liên xô sụp đổ đều biết đồng rúp Nga đã mất giá kinh khủng như thế nào, dù chính quyền đã cố gắng bằng mọi cách giữ ổn định. Giá cả hàng hóa đều tăng vọt do đồng nội tệ mất giá. Dù giá cao nhưng nạn khan hiếm hàng hóa sẽ xảy ra trên diện rộng với cả những mặt hàng thiết yếu và đơn giản như gạo, mắm, muối …Đời sống của người dân sẽ bị đảo lộn hoàn toàn do hầu hết các nhà máy, xí nghiệp đều đóng cửa. Lạm phát sẽ tăng cao chưa từng có vì nhà nước tiếp tục in thêm tiền. Mọi sự buôn bán hay giao thương đều đình đốn do tỉ giá giữa đồng nội tệ và ngoại tệ biến động lớn và nhà nước không thể kiểm soát nổi. Người dân nghèo Việt Nam sẽ bị dồn vào đường cùng, nạn trộm cướp sẽ diễn ra công khai và trắng trợn…

Dù chúng tôi không hề muốn điều này xảy ra nhưng rồi nó vẫn phải xảy ra vì đây là sự điều chỉnh của kinh tế thị trường và là qui luật của cuộc sống. Cái gì phù hợp sẽ tiếp tục phát triển cái gì vô lý sẽ phải kết thúc. Và cũng chỉ khi đó thì người dân Việt Nam mới nhớ đến …chúng tôi, những người dân chủ đối lập. Suốt 30 năm qua chúng tôi đã cố gắng làm tất cả những gì có thể, để vận động người dân và trí thức Việt Nam tham gia và ủng hộ cho phong trào đối lập dân chủ nhằm chuyển hóa Việt Nam về hướng dân chủ, để khủng hoảng không xảy ra …Nhưng chúng tôi vẫn chưa thành công vì gặp phải bức tường tâm lý quá lớn đó là sự bất lực của giới trí thức và sự thờ ơ, vô cảm của người dân.

Người dân Việt Nam đã thờ ơ và né tránh chuyện chính trị, giao phó cuộc sống của mình cho “đảng và nhà nước” nên hậu quả từ cuộc khủng hoảng này người dân phải tự gánh chịu. Phong trào dân chủ đối lập có muốn giúp cũng không làm gì được. Lời khuyên duy nhất mà chúng tôi có được trong lúc này là người dân nên dự trữ một ít tiền ngoại tệ và vàng trong nhà để phòng thân khi khủng hoảng xảy ra…

Việt Hoàng, [khi-nha-nuoc-vo-no-nguoi-dan-viet-nam-se-ra-sao]
Nguồn: http://ethongluan.org
Ngày đăng 27/08/2014

Đăng nhận xét