Thứ Ba, 14 tháng 6, 2011

Bài 1: Lịch sử và địa lý xã Thái Hà.

Posted By Unknown on Thứ Ba, 14 tháng 6, 2011 | 21:18

CHƯƠNG MỘT:
VỊ TRÍ ĐỊA GIỚI, ĐẤT ĐAI, DÂN CƯ, QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ XÃ THÁI HÀ

I. VỊ TRÍ ĐỊA GIỚI, ĐẤT ĐAI, DÂN CƯ:

Thái Hà ngày nay là một xã nằm ở phía tây nam thuộc huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình; cách huyện lỵ 18km; phía Bắc giáp xã Thái Sơn, phía Đông giáp xã Thái Phúc, phía Nam giáp sông Trà Lý, bên kia sông là xã Trà Giang, xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương, phía Tây giáp sông Quài, bên kia sông là xã Đông Lĩnh, huyện Đông Hưng.

Xã Thái Hà có diện tích 433,4ha, trong đó diện tích canh tác là 303,3ha; dân số có 4.243 người, toàn xã có 3 thôn. Đảng bộ xã Thái Hà gồm 219 đảng viên. Hệ thống chính quyền xã gồm Hội đồng nhân dân xã, Uỷ ban nhân dân xã, với các ban, ngành: Quân sự, Tư pháp, Tài chính, Thông tin - văn hoá, Thương binh - xã hội, Địa chính, Hộ tịch hộ khẩu. Dưới cấp xã là thôn và xóm, có hệ thống tổ chức đảng, các đoàn thể theo cấp xã. Các đoàn thể quần chúng gồm: Đội Thiếu niên Tiền phong, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi.

Nền kinh tế chủ yếu của Thái Hà là sản xuất nông nghiệp, là một xã thuần nông, có đất đai tương đối bằng phẳng, phì nhiêu, có hệ thống tưới tiêu phục vụ tốt cho sản xuất. Xã Thái Hà có đường giao thông thuỷ bộ và có chợ, nên việc giao lưu kinh tế với các địa phương trong vùng có điều kiện thuận lợi để phát triển. Toàn xã có một Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, với diện tích canh tác là 1370 mẫu Bắc Bộ; bình quân một người là 1.174,2 m2 một năm có hai vụ sản xuất lúa chiêm và lúa mùa; năng suất bình quân mỗi năm đạt hơn một trăm tạ thóc/ha, ngoài ra còn xen canh hai vụ sản xuất là vụ xuân và vụ đông. 

Cùng với trồng lúa, nông dân trong xã còn phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, vịt, nuôi cá; làm một số ngành nghề thủ công và buôn bán nhỏ. 

Xã Thái Hà ngày nay là kết quả của cả một quá trình lâu dài của nhiều thế hệ nối tiếp nhau, qua nhiều thế kỷ cần cù, dũng cảm trong lao động sản xuất, đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt, giặc giã hoành hành, đấu tranh cải tạo thiên nhiên, biến vùng đất sình lầy, chua mặn, đầy lau lác, cỏ dại thành mảnh đất màu mỡ “bờ xôi, ruộng mật” để sản xuất và trụ vững; dân cư ngày càng quần tụ đông đúc, chung lưng, đấu cật, bó bện cùng nhau, từng bước hình thành xóm làng - trở thành một đơn vị hành chính. 

Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, địa danh, địa giới của xã cũng thay đổi nhiều lần, nhưng mảnh đất và người dân Thái Hà, đời này qua đời khác, vẫn luôn vững vàng trước mọi gian nan thử thách và vượt lên chính mình, để không ngừng phát triển về mọi mặt, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, đi lên cùng đất nước.

Ngày đăng 15/06/2011

Đăng nhận xét