Món mọc mò mới đầu chỉ có ở làng Phần (Thái Sơn, Thái Thụy, Thái Bình), sau này nó mới xuất hiện ở các vùng lân cận, thường chỉ xuất hiện vào các dịp lễ tết, giỗ chạp.
Mọc mò được gói bằng lá mò (có nhiều nơi gọi là cây đỏ mắt). Cây mọc mò có ở nhiều vùng quê, dân gian thường dùng rễ và thân cây làm thuốc nam chữa bệnh phong thấp. Lá của nó to, hình trái tim, hoa màu đỏ hoặc trắng. Mọc mò muốn ngon trước tiên phải lựa những lá to, không rách, không già hoặc non quá, rửa sạch để ráo. Nhân mọc mò làm bằng bộ lòng gà, loại gà mái tơ sắp đẻ, có trứng non (không dùng ruột) băm nhuyễn với lượng thịt lợn ba chỉ, rau thơm, gia vị vỏ quýt, hành tiêu muối mắm ớt và đặc biệt phải có tiết gà đánh nát sau đó trộn đều với lòng đỏ trứng gà.
Mọc mò được gói bằng nhiều kiểm khác nhau như gói bánh, sau đó đem hấp cách thủy sao cho chín tới, nếu quá lửa sẽ bị nồng. Vớt mọc ra, ép nhẹ cho ráo nước, sau đó thắt miếng bày lên đĩa, ăn nóng với nước chấm pha nhạt, cay đem lại một cảm giác thú vị. Mọc mò có một hương vị đặc biệt, đó là vị riêng của lòng gà mái tơ, vừa giòn vừa ngậy, đan xen mùi thơm vỏ quýt vị cay của tiêu ớt. Tất cả quyện lại cùng mùi thơm đặc trưng của lá mò, đằm, hơi ngăm khác hẳn những món ăn khác, cho người thưởng thức cảm giác sảng khoái dễ chịu mà không ngán, không chán.
Thưởng thức mọc nên ăn vào lúc còn nóng hổi bốc hơi nghi ngút, cùng với nước chấm pha nhạt. Đây là món ăn khá phổ biến vùng Thái Thụy.
Nguồn: internet
Ngày đăng 18/09/2011
Đăng nhận xét