Thứ Tư, 2 tháng 11, 2011

Làn sóng dân chủ mới trào dâng khắp thế giới (TQ122)

Posted By Unknown on Thứ Tư, 2 tháng 11, 2011 | 00:55

Gaddafi đã chết rất thảm. Không ai có thể không ghê tởm cảnh một đám đông điên cuồng giáng mọi đòn thù giết chết một tù nhân, dù đó là một bạo chúa khát máu. Những hình ảnh này đáng để cho mọi nhà độc tài còn đang đắc thời suy ngẫm. Họ có thể đang thấy mình rất an toàn, nhưng trong gần 42 năm chính Gaddafi cũng đinh ninh như vậy.

Đặc điểm của mọi chế độ độc tài là cho đến lúc sụp đổ chúng vẫn tỏ ra rất vững vàng. Dư luận đã không xúc động mạnh một mặt vì cảm giác nhẹ nhõm khi không còn Gaddafi và mặt khác vì mọi người đều hiểu là khi sự phẫn nộ đã tích lũy quá lâu nó thường bùng nổ dữ dội. Không có cuộc cách mạng bạo lực nào đẹp cả.

Cuộc Cách Mạng Ả Rập đã là kết quả của sự phẫn nộ chất chứa. Nó bột phát bằng những cuộc xuống đường dũng cảm đánh đổ các chế độ bạo ngược tại Tunisia và Ai Cập hay bằng nội chiến tại Libya, Yemen và Syria. Các chế độ Algeria, Maroc và Jordan nhờ biết nhượng bộ kịp thời đã tránh được sự sụp đổ bi thảm.

Một làn sóng phẫn nộ khác cũng đã dâng lên tại ngay các nước dân chủ phát triển. Xuất phát từ Espana tháng 5 vừa qua, ngay sau khi cuộc Cách Mạng Ả Rập bùng phát, nó đã nhanh chóng lan sang Hy Lạp và Ý, rồi đạt đến cao điểm vào tháng 10 với hàng ngàn cuộc biểu tình tại Hoa Kỳ và Châu Âu. Những người biểu tình, đại bộ phận là thanh niên và trí thức, thừa hiểu rằng không còn giải pháp nào khác hơn là cần kiệm và khắc khổ, họ chỉ bày tỏ sự phẫn nộ đối với những người cầm quyền mị dân đã dung túng những đầu cơ tài chính độc hại và đã dẫn họ tới bế tắc bằng những chính sách vô trách nhiệm; rồi khi khủng hoảng xảy ra thì những hy sinh và cố gắng lại chủ yếu áp đặt lên quần chúng, nghĩa là những nạn nhân. Họ cũng phản đối mức chênh lệch giàu nghèo quá thách đố và sự kiện quyền lực thực sự đã dần dần chuyển qua tay các tài phiệt và các ngân hàng thay vì thuộc các định chế xuất phát từ bầu cử dân chủ. Dĩ nhiên không thể đòi hỏi quần chúng hoàn toàn hợp lý, nhưng lý do cốt lõi của những cuộc biểu tình phẫn nộ này là để đòi hỏi một sinh hoạt chính trị lành mạnh hơn và dân chủ hơn. Điểm đáng chú ý trong đợt phản kháng này là những người biểu tình không hề phản đối chế độ dân chủ, họ chỉ đòi thực thi dân chủ. Họ cũng không hề chống chủ nghĩa kinh tế tự do, nền tảng của dân chủ, họ chỉ đòi tự do kinh tế được thể hiện một cách lành mạnh hơn.

Chúng ta đang chứng kiến một làn sóng dân chủ toàn cầu. Trong khi các dân tộc chưa có dân chủ vùng lên đòi dân chủ thì các dân tộc đã có dân chủ đòi tăng cường nó. Chưa bao giờ trong lịch sử thế giới dân chủ được trân trọng như là giá trị và ước vọng chung của nhân loại bằng lúc này. Làn sóng dân chủ mới đang trào dâng mạnh mẽ trên khắp thế giới.

Phải chăng Trung Quốc là một ngoại lệ? Tương lai sẽ trả lời một cách dứt khoát là không. Lẽ sống duy nhất của chế độ cộng sản Trung Quốc là tăng trưởng kinh tế. Nhưng kinh tế không thể lành mạnh nếu chính trị không lành mạnh. Thành công kinh tế của Trung Quốc chỉ là giả tạo, những bệnh hoạn của nó ngày càng lộ liễu. Chế độ cộng sản Trung Quốc không thể tiếp tục.

Và ban lãnh đạo CSVN, mà thói quen là rập khuôn theo Trung Quốc, nên cảnh giác rằng trong suốt lịch sử Trung Quốc mọi thay đổi chế độ đều đã diễn ra một cách rất tàn bạo.

[lan-song-dan-chu-moi-trao-dang-khap-the-gioi].
Ban biên tập Tổ Quốc
Thứ tư, 02 tháng 11/2011

Đăng nhận xét