Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

Mỹ sẽ “giải quyết” Nga và Trung Quốc như thế nào? (Việt Hoàng)

Posted By Unknown on Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014 | 02:14

Sự kiện tổng thống Nga Putin ký vào quyết định sát nhập bán đảo Krưm của nước cộng hòa Ukraina vào lãnh thổ nước Nga ngày 18/3/2014, qua một cuộc “trưng cầu dân ý” giả tạo dưới áp lực của các lực lượng vũ trang Nga và sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan khổng lồ HD-981 vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam hơn 80 hải lý vào ngày 1/5/2014, sẽ là hai cột mốc quan trọng trong lịch sử thế giới đầu thế kỷ 21.

Cục diện thế giới bắt đầu thay đổi, trật tự thế giới đang được lập lại. Một bên là siêu cường Mỹ và Đồng minh và một bên là hai thế lực mới nổi: Nga và Trung Quốc.

Khi bức tường Berlin sụp đổ và tiếp theo là sự cáo chung của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa tại Đông Âu, chiến tranh Lạnh kết thúc…thì vai trò lãnh đạo thế giới mặc nhiên là Hoa Kỳ. Đã có ý kiến lo lắng rằng nếu thế giới đơn cực như vậy thì sẽ không ổn vì Mỹ sẽ áp đặt luật chơi cho cả thế giới! Cần phải có một thế giới đa cực để kiềm chế sự lấn lướt của Mỹ! Đáng tiếc là ngay trong lòng nước Mỹ cũng xuất hiện suy nghĩ rằng, thế giới đã hòa bình sau khi Liên Xô tan rã, chiến tranh đã lùi xa và vì thế cần tập trung mọi cố gắng cho việc phát triển kinh tế.

Chính vì những suy nghĩ này nên Bill Clinton đã trở thành tổng thống Mỹ với lập trường chính trị thực tiễn một cách cực đoan “chỉ làm kinh tế!” (Economy, stupid!). Và sau đó là tổng thống Obama, cũng là một người theo chủ nghĩa thực tiễn. Thế nào là “chủ nghĩa thực tiễn”? Ông Nguyễn Gia Kiểng, thường trực Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã thấy rõ vấn đề này ra trong ít nhất ba bài viết: “Quĩ đạo của chó”, “Khi chủ nghĩa thực tiễn phá sản” và “Chủ nghĩa thực tiễn và trường hợp Obama”. ()

Chủ nghĩa thực tiễn có thể tóm lược như một chọn lựa chính trị dành cho quyền lợi chỗ đứng trước hết và trên hết, nghĩa là mỗi khi có mâu thuẫn giữa quyền lợi và các giá trị đạo đức thì quyền lợi phải được dành ưu tiên.

Quyền lợi ở đây phải được hiểu là quyền lợi cụ thể và ngắn hạn, bởi vì mọi hành động xét cho cùng đều nhắm một lợí ích nào đó. Những lợi ích dài hạn có thể mâu thuẫn với quyền lợi ngắn hạn và đòi hỏi một tầm nhìn xa mà nhiều người không có được, những lợi ích tình cảm và vị tha lại càng khó nhận diện hơn. Ðặc tính của chủ nghĩa thực tiễn nhắm những quyền lợi trước mắt. Nó chỉ là một tên gọi khác của sự thiển cận”.

Cũng theo ông: “Chủ nghĩa thực tiễn đã gây tác hại lớn về mặt chính trị quốc tế. Nó đã bỏ qua những giá trị đạo đức và nhân quyền để bình thường hóa các chế độ độc tài bạo ngược đã rất chao đảo sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Các chế độ này không những được củng cố nhờ trao đổi thương mại với các nước dân chủ phát triển mà còn liên kết với nhau và trở thành một đe dọa cho dân chủ và hòa bình. Chủ nghĩa thực tiễn trong quan hệ đối ngoại đã là một sai lầm lớn. Quan hệ thương mại với các nước dân chủ đã không khiến các chế độ độc tài trở thành cởi mở và thân thiện, trái lại chỉ giúp chúng thêm sức mạnh để đối đầu. Lý do là vì ý thức hệ bao giờ cũng quyết định sự chọn lựa bạn và thù”.

Hơn hai mươi năm nay thế giới đang phải sống trong chủ nghĩa thực tiễn của siêu cường Mỹ, kể cả thời Obama: “Chủ nghĩa thực tiễn của Obama có thể tóm tắt như sau: thôi nhấn mạnh về dân chủ và nhân quyền trong quan hệ đối ngoại, thoả hiệp thay vì đương đầu với các chế độ hung bạo, tương đối hoá các giá trị và văn hoá, tránh can thiệp khi quyền lợi của Hoa Kỳ không trực tiếp bị đe dọa. Trong hơn ba thập niên qua họ đã hợp tác với Trung Quốc mà không đặt vấn đề bản chất của chế độ, ngay cả sau cuộc thảm sát Thiên An Môn, có lẽ với hy vọng là tăng trưởng kinh tế tự nó sẽ dần dần đem đến dân chủ (cứ như là độc tài là hậu quả chứ không phải là nguyên nhân của sự nghèo khổ). Thực tế đã không như vậy, nhờ giao thương với các nước dân chủ, đặc biệt là Hoa Kỳ, Trung Quốc đã mạnh hơn nhiều nhưng vẫn là một chế độ bạo ngược và còn yểm trợ cho nhiều chế độ hung bạo khác. Đôi khi Trung Quốc còn được viện dẫn như là một bằng cớ về sự đúng đắn của chủ thuyết tăng trưởng kinh tế bất chấp nhân quyền. Sức mạnh kinh tế đã chỉ khiến Trung Quốc tự tin hơn trong thái độ thách thức và đang trở thành một lo âu cho thế giới”.

Những nhận định của ông Nguyễn Gia Kiểng đang dần trở thành hiện thực. Nga và Trung Quốc sau gần 30 năm hợp tác làm ăn với Mỹ và các nước dân chủ đã trở nên giàu có và hùng mạnh. Sự giàu có và hùng mạnh đó không có chỗ cho các giá trị phổ quát của nhân loại như dân chủ, tự do, nhân quyền, bình đẳng, hòa bình và tôn trọng lẫn nhau. Sự giàu có và hùng mạnh đó đang đe dọa hòa bình thế giới. Từ sau thế chiến thứ hai, trật tự thế giới tương đối yên ổn, nay nó đã không còn. Nga, một cường quốc đang lên, đã vứt bỏ mọi nguyên tắc về chủ quyền của các quốc gia, đương nhiên dùng vũ lực để vẽ lại đường biên giới qua việc sát nhập Krưm vào lãnh thổ của mình. Không dừng lại ở đó, nước Nga của Putin vẫn đang tiếp tục phá hoại và làm cho Ukraina bất ổn khi gửi quân và vũ khí ủng hộ cho những kẻ ly khai tại hai tỉnh miền Đông Ukraina là Donetsk và Lugansk.

Trung Quốc nhân cơ hội Nga xâm chiếm Krưm cũng đem giàn khoan HD-981 đặt sâu vào lãnh hải Việt Nam với mục đích biến đòi hỏi mơ hồ về đường lưỡi bò, nuốt trọn Biển Đông thành chuyện hiển nhiên.

Nếu tại Ukraina, Putin đã thất bại thảm hại khi tổng thống Ukraina, Petro Poroshenko đặt bút ký kết hiệp ước thành viên liên kết với Châu Âu ngày 27/6/2014 thì tại Việt Nam, Trung Quốc có vẻ thành công sau khi gây áp lực lên lãnh đạo Việt Nam buộc phải chấp nhận những yêu sách của họ.

Tại Ukraina, Putin đang chơi trò “ném đá giấu tay”, một mặt cung cấp vũ khí và chiến binh cho phe nổi loạn tại miền Đông Ukraina với tâm tưởng hẹp hòi và xấu xa “ăn không được thì đạp đổ”, một mặt “thanh minh, thanh nga” với dư luận thế giới là Nga không liên quan và ủng hộ cho phe ly khai. Thật ra ai cũng biết là ngay cả quân đội chính qui của Ukraina cũng không thể có được những chiến binh thiện chiến và vũ khí tối tân đến như vậy, huống hồ gì những kẻ ly khai!

Tại Việt Nam, một mặt Trung Quốc gây áp lực buộc chính quyền Việt Nam im lặng, một mặt tung ra các tài liệu và chứng cớ mà họ đã chuẩn bị từ trước như sách giáo khoa, bản đồ Việt Nam hay công hàm của thủ tướng Phạm Văn Đồng…đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông để thanh minh với thế giới.

Những hồ sơ gai góc này sẽ đi về đâu? Liệu Nga và Trung Quốc có đạt được mục đích của mình không? Mỹ sẽ hành động như thế nào?

Chắc chắn sau những thất bại nặng nề của chủ nghĩa thực tiễn mà hai tổng thống Mỹ là Bill Clinton và Obama theo đuổi thì giờ đây họ đã nhận ra sai lầm của mình và đang có những bước đi cần thiết để sửa sai. Tại Ukraina, Mỹ và đồng minh Châu Âu đã có thái độ dứt khoát và rõ ràng với Putin, các biện pháp trừng phạt Nga đang tăng dần. Nếu Nga không chấm dứt sự can thiệp quân sự vào Ukraina thì Châu Âu sẽ chấp nhận những hy sinh nhất định để áp đặt sự cấm vận toàn diện kinh tế lên nước Nga. Các biện pháp trừng phạt này không hề vớ vẩn như nhiều người nghĩ. Hậu quả sẽ khôn lường sẽ đến với nước Nga. Một nước Nga với thu nhập phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt khó mà chống lại cả thế giới.

(Kiện China)
Tại Việt Nam, dù chính quyền nhu nhược và không dám phản đối Trung Quốc, ngay cả việc làm cần thiết và hòa bình là kiện Trung Quốc ra các Tòa án quốc tế như Philippines, chính quyền Việt Nam cũng không dám làm. Tuy nhiên lần này Mỹ đã không ngồi yên, để mặc cho Trung Quốc làm gì thì làm. Sau khi bật đèn xanh cho đồng minh Nhật Bản, một cường quốc Châu Á, sửa đổi hiến pháp để quân đội có thể tham chiến bên ngoài lãnh thổ, thì mới đây nhất, Thượng viện Mỹ ngày 10/7/2014 đã thông qua nghị quyết S.R.412, lên án Trung Quốc sử dụng các hành vi khiêu khích và gây hấn để thay đổi hiện trạng tại Biển Đông, gây mất ổn định trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Đồng thời nghị quyết có đoạn yêu cầu Bắc Kinh rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vị trí hiện tại, đảm bảo nguyên trạng trước thời điểm tháng 5/2014.

Đây có thể là một khúc quanh của lịch sử, đã đến lúc Mỹ phải giải quyết hai hồ sơ gai góc là Nga và Trung Quốc. Rõ ràng là thiện chí và hy vọng của Mỹ đã tan thành mây khói khi họ cho rằng giúp Nga và Trung Quốc giàu có lên ắt hẳn sẽ mang lại văn minh và dân chủ cho chính quyền và nhân dân hai nước. Bản chất của các chế độ độc tài là không thay đổi. Càng giàu có thì họ càng hung hăng và tự tin hơn vào sức mạnh của mình. Sức mạnh đó đang đe dọa thế giới. Trong cuộc đối đầu này Mỹ và các nước dân chủ sẽ tiếp tục chiến thắng như đã từng thắng phát xít Đức và phe xã hội chủ nghĩa trước đây.

Trung Quốc không ổn định và hùng mạnh như nhiều người nghĩ. Bất ổn tại Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông vẫn tăng lên chứ không giảm xuống dù chính quyền Trung Quốc đàn áp rất mạnh tay. Hồng Kông, Ma Cao nổi lên đòi dân chủ. Cuộc chiến chống tham nhũng mà thực ra là các cuộc thanh trừng lẫn nhau để giành quyền lực tại thượng tầng Trung Quốc ngày càng quyết liệt…, tất cả những dấu hiệu đó cho thấy Trung Quốc đang xói mòn và chao đảo hơn bao giờ hết.

Các đảng viên trung và cao cấp trong chính quyền Việt Nam nếu còn chút tỉnh táo và khôn ngoan thì hãy nhanh chóng rời bỏ con thuyền sắp đắm là đảng cộng sản Việt Nam để quay về với nhân dân vì ngay cả “mẫu quốc” Trung Quốc cũng đang chao đảo và lung lay hơn bao giờ hết. Tổng thống Obama mới đây có nói rằng Mỹ không lo Trung Quốc phát triển mà chỉ sợ Trung Quốc sụp đổ.

Người dân Việt Nam nói chung và giới trí thức Việt Nam nói riêng cũng nên nhìn nhận sự việc một cách khách quan và rõ ràng. Tương lai dân tộc Việt Nam phía trước là ánh sáng chứ không phải là đêm đen. Lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam sắp bước sang một trang mới. Hãy hiểu điều đó để có quyết tâm và những quyết định đúng đắn cho tương lai sắp tới của chính mình và cho cả dân tộc. Hãy tìm hiểu và ủng hộ cho giải pháp “Dân Chủ Đa Nguyên” mà chúng tôi đã giới thiệu qua Dự Án Chính Trị-Thành Công Thế Kỷ 21 (TCTK21).

Việt Hoàng
Nguồn: http://ethongluan.org
Ngày đăng 15/07/2014

Đăng nhận xét