Vượt lên trên mọi đam mê chính trị, thảm kịch của chúng ta ngày nay là một sự tụt hậu đầy hổ nhục cho mọi người Việt Nam dù thuộc quá khứ nào hay theo khuynh hướng nào. Mọi cuộc đấu tranh chính trị đều là vô nghĩa nếu không nhắm mục đích sau cùng là đưa đất nước tiến lên và cũng vô nghĩa nếu không biết con đường nào sẽ đưa đất nước đi lên.
Điều chúng ta cần nhắc lại một lần nữa là hiện nay, trên thềm thế kỷ 21 và thiên niên kỷ thứ ba, phát triển là một hiện tượng rất mới và chỉ giới hạn trong một số rất ít quốc gia, nhờ một số điều kiện rất đặc biệt mà ta cần quan sát.
Tôi xin mời độc giả làm một cuộc du lịch thăm viếng một số nước, nơi hiện tượng phát triển đã xuất hiện trước tiên và một cách ngoạn mục. Đây là một cuộc thăm viếng có hướng dẫn, rất nhanh chóng và có chủ đích. Chúng ra sẽ chỉ quan sát những gì giúp chúng ta trả lời câu hỏi "tại sao họ đã phát triển?". Cuộc tham quan này tuy vội vã nhưng vẫn thật thà, không giấu giếm. Những gì không được quan sát sẽ không phản bác kết luận mà chúng ta sẽ rút ra. Đây là một cuộc hành hương về cội nguồn của hiện tượng phát triển để tìm hiểu. Chúng ta sẽ thành công nếu vào một lúc nào đó ánh sáng bỗng dưng bừng lên và chúng ta vui mừng thốt lên: "Hiểu rồi, thì ra thế !".
Hiện tượng phát triển trên qui mô quốc gia đã xuất hiện hầu như cùng một lúc tại châu Âu và Hoa Kỳ. Châu Âu đi trước một chút và phát triển nhanh chóng hơn trong giai đoạn đầu. Nói là châu Âu nhưng thực ra, nếu muốn chính xác hơn, phải nói là Hòa Lan và Anh, các nước khác đã chỉ bị, hay được, lôi kéo theo. Một cách vắn tắt, có thể nói thế kỷ 17 đã là thế kỷ Hòa Lan, thế kỷ 18 là thế kỷ Anh, từ cuối thế kỷ 19 Hoa Kỳ lên ngôi bá chủ hoàn cầu. Cũng từ nửa sau thế kỷ 19, Nhật Bản vươn lên mạnh mẽ dù chưa bao giờ đạt tới sức mạnh của Hoa Kỳ.
Viết tới đây tôi sợ bị một số học giả chê là quá sơ sài, vì thực ra hiện tượng phát triển vốn đã có từ trước với các thành phố buôn bán. Venice (tại Ý) ngay từ thế kỷ 12 đã đạt tới một sức mạnh kinh tế, chính trị và cả về quân sự rất huy hoàng. Antwerpen (tại Bỉ) từ thế kỷ 15 đã trở thành trung tâm thương mại số một của thế giới. Nhiều thị trấn khác trong vùng biển Baltic băng giá, một Địa Trung Hải của Bắc Âu, cũng đã trở nên rất phồn thịnh trong cùng một thời điểm. Nhưng tất cả những thành tựu ngoạn mục này, ngay cả trường hợp Venice, chỉ là những ốc đảo phồn vinh cô lập. Điều tôi muốn nhận định ở đây là hiện tượng phát triển trên qui mô quốc gia.
Sẽ là một sự lố bịch, có thể nói là một sự xúc phạm đối với trí tuệ, nếu muốn tóm tắt lịch sử phát triển của Hòa Lan, Anh, Hoa Kỳ và Nhật Bản trong một vài trang giấy. Mục đích ở đây là tìm ra cái gì đã làm nảy sinh ra phát triển và sau đó đã duy trì được đà phát triển. Xin nói ra ngay rằng kết luận sẽ chẳng có gì thực sự độc đáo. Điều quan trọng là sau đó chúng ta thực sự tin. Và niềm tin là tất cả, nó sẽ tránh cho chúng ta những hoang mang, bối rối và lạc lối trong những biện luận mông lung. Chúng ta đang rất cần niềm tin đó.
Bây giờ, xin mời độc giả khởi hành.
Hòa Lan: cái gì đã xảy ra?
Cho tới giữa thế kỷ 16, quyền lực tại châu Âu tập trung về phía Nam, với Tây Ban Nha làm bá chủ. Đế quốc của Charles Quint, trong đó Tây Ban Nha vượt trội nhất, bao phủ gần hết châu Âu và cả miền đất rộng lớn vừa khám phá ra, nghĩa là châu Mỹ. Nhưng đột nhiên vào giữa thế kỷ 16, năm 1568, châu Âu rúng động vì cuộc nổi dậy tại Hòa Lan. Càng ngạc nhiên hơn nữa vì đất nước nhỏ bé này đã kháng cự thắng lợi trước sức mạnh của quân lực Tây Ban Nha hùng hậu trong hơn bốn mươi năm, trong một cuộc chiến được mệnh danh là "chiến tranh cho tự do", buộc Tây Ban Nha phải ngừng chiến, chấp nhận thực tế của sự ly khai và sau đó ký thỏa ước Den Haag chính thức nhìn nhận "Nước Cộng Hòa Hòa Lan". Từ đó Hòa Lan, với không đầy mười triệu dân, tiếp tục tiến lên mạnh mẽ, trở thành siêu cường số một của thế giới trong thế kỷ 17. Cái gì đã xảy ra?
Montesquieu (1681-1755), thủy tổ của lý thuyết "tam quyền phân lập" và lý thuyết "những bất lợi tiên khởi", nhận định rằng người Bắc Âu đã bị thiên nhiên ngược đãi nên phải phấn đấu để tiến lên, và để tiến lên cần tự do, trong khi các dân tộc Nam Âu vì được thiên nhiên ưu đãi nên không cần phấn đấu và do đó dễ chấp nhận cuộc sống nô lệ.
Max Weber (1864-1920), dựa vào thành tựu của Hòa Lan, và của Anh và Mỹ sau đó, cho rằng phát triển là do ảnh hưởng của đạo Tin Lành năng động và cởi mở hơn đạo Công Giáo. Weber lặp lại một cách mạnh mẽ hơn lập luận của một vài nhà tư tưởng trước ông cho rằng chủ nghĩa tư bản là một sản phẩm của đạo Tin Lành. Karl Marx, thiên tài trong nghệ thuật lấy ý kiến của người khác làm khám phá của mình bằng cách nói ngược lại, cho rằng chính chủ nghĩa tư bản đã khai sinh ra đạo Tin Lành. Quanh quẩn vẫn chỉ là một ý : có một liên hệ mật thiết giữa một tôn giáo (Tin Lành) và phát triển.
Phải nghĩ gì về những giải thích này?
Dĩ nhiên dân tộc nào cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của điều kiện địa lý, nhưng lý thuyết "những khó khăn tiên khởi" rất khó đứng vững. Nếu bảo rằng nhờ bị thiên nhiên ngược đãi mà nhiều dân tộc đã phải phấn đấu, rồi nhờ đó tiến lên thì rất khó giải thích tại sao nước Mỹ, với tài nguyên bao la và điều kiện sinh sống dễ dãi, đã vươn lên mạnh mẽ? Ngược lại, một số dân tộc khác như Mali, Ethiopia, Bangladesh lạc hậu cùng cực và bị coi là tuyệt vọng chính vì thiếu tài nguyên thiên nhiên. Các giải thích của những nhà nghiên cứu về điều kiện thiên nhiên thường rất mâu thuẫn. Có khi cùng một sự kiện được sử dụng cho hai giải thích hoàn toàn trái ngược nhau : có lúc họ nói rằng nước Anh đã trở thành hùng mạnh nhờ than đá và sắt, có khi họ lại lý luận rằng nước Nhật đã phát triển vì người Nhật bắt buộc phải sản xuất nhiều để xuất cảng lấy ngoại tệ mua nguyên liệu và nhiên liệu. Lý thuyết "những khó khăn tiên khởi" độc đáo ở chỗ nó vừa ngược đời vừa hùng hồn, nhưng không đúng. Tài nguyên thiên nhiên chắc chắn là có ảnh hưởng, và dĩ nhiên về lâu về dài có ảnh hưởng tốt, nhưng không thể giải thích tất cả.
Khí hậu cũng thường được viện dẫn như một lý do giải thích sự phát triển, dựa vào nhận xét chung là các nước khí hậu lạnh thường phát triển hơn các nước nhiệt đới. Nhưng Nga và Mông Cổ (chưa nói dân Esquimo!) cũng có khí hậu rất lạnh mà tại sao không phát triển?
Còn lý do tôn giáo? Chắc chắn là các dân tộc theo một tín ngưỡng tiêu cực coi cuộc đời không đáng sống và không đáng cải thiện, như ‰ên Độ và Tây Tạng, sẽ rất khó ra khỏi cảnh nghèo khổ nếu không thay đổi tâm lý, vì một lý do dễ hiểu là họ không coi nghèo khổ là một tai họa. Nhưng bảo rằng đó là do ảnh hưởng của đạo Tin Lành thì phải trả lời thế nào về sự trỗi dậy ngoạn mục của Nhật Bản?
Chắn chắn phải có một lý do căn bản hơn trong khi những lý do khác như tài nguyên thiên nhiên, khí hậu, tôn giáo chỉ là những biểu hiện ngoài mặt.
Từ thế kỷ 15, trung tâm quyền lực tại châu Âu dời về miền Nam, các vùng phía Bắc chung quanh Hòa Lan ít được quan tâm tới. Đó lại là vùng đất thấp, sình lầy và giá lạnh, cảnh trí chẳng có gì là hùng vĩ, thành quách lâu đài cũng khó xây dựng. Các vùng này ở trong một tình trạng đặc biệt: một mặt họ nằm dưới quyền lực của các triều đình lớn và không thể lập ra một chính quyền mạnh của mình mà không sợ búa rìu, mặt khác vì gần như bị bỏ quên nên họ phải tự tổ chức sinh hoạt riêng của mình. Công thức duy nhất và bắt buộc là cố gắng tìm ra đồng thuận để sống yên với nhau, tránh mọi xung đột có thể lôi kéo sự can thiệp của triều đình Tây Ban Nha. Một xã hội tự do dân chủ dần dần thành hình với một chính quyền rất giản dị, người cai trị Hòa Lan không phải là một ông vua, cũng không phải là một lãnh chúa mà chỉ được gọi là một "đại thường trú", vì ông cư ngụ và làm việc ở tòa nhà được dựng ra để giải quyết các vấn đề hành chính tối cần thiết.
Những người Hòa Lan cũng không thể có vinh quang được làm vương, làm tướng, họ chỉ còn một lý tưởng là làm giàu. Một thanh niên Hòa Lan lớn lên không thể nuôi mộng gì khác hơn là kinh doanh buôn bán thành công.
Một xã hội mới dần dần thành hình. Chính cái xã hội tự do dân chủ này, với một guồng máy chính quyền thật nhẹ và thu hẹp nhường không gian tối đa cho cá nhân, và trong đó mọi cá nhân theo đuổi lý tưởng làm giàu, đã thúc đẩy sáng kiến và cố gắng và tạo nên sự phồn vinh của Hòa Lan. Vào năm 1551, khi hoàng đế Charles Quint phong cho dòng họ Bourguignon 12 quận đất thấp phía Bắc (gồm Hòa Lan và Bỉ ngày nay), vùng đất này đóng thuế cho triều đình Tây Ban Nha một số tiền gấp bảy lần lợi nhuận quan trọng đem về từ toàn châu Mỹ. Hòa Lan đã phồn vinh hơn hẳn Tây Ban Nha. Mười bảy năm sau, họ nổi dậy tuyên bố rũ bỏ ách thống trị của mẫu quốc. Sức mạnh kinh tế và quyết tâm sống tự do đã khiến họ đẩy lùi được đạo binh hùng hậu của Tây Ban Nha.
Trái với nhận xét của Max Weber, không phải đạo Tin Lành đã tạo ra sự phồn vinh của vùng đất thấp bao gồm Hòa Lan và Bỉ, bởi vì phần lớn của cải vẫn nằm trong tay những nhà kinh doanh theo đạo Công Giáo. Ở một khía cạnh nào đó, có thể nói người Công Giáo còn năng động hơn cả người Tin Lành trong giai đoạn đầu. Nhưng dần dần do sự bách hại đạo Tin Lành tại Pháp, Ý và Tây Ban Nha, những người Tin Lành đã di cư tới Bỉ và nhất là Hòa Lan để tị nạn. Họ là một đóng góp quan trọng cho sự phồn vinh của Hòa Lan, nhưng họ không phải là yếu tố quyết định nhất. Đóng góp quyết định nhất là những nghệ nhân, thợ khéo, thương gia di cư tới Hòa Lan để tránh những chính quyền độc tài khắc nghiệt. Không khí tự do dân chủ tại Hòa Lan đã giúp họ làm giàu cho mình và cho quê hương mới. Descartes (1596-1650), nhà toán học và tư tưởng lớn bậc nhất của nước Pháp vào thời đại của ông, năm nào cũng phải tới Hòa Lan sống vài tháng để lấy hứng sáng tác trong không khí tự do, dù ông là người Công Giáo.
Anh: một dân tộc bán tiệm
Nước Anh, từ sau khi vua John "Lack Land" [Jean Sans Terre] ký Đại Hiến Chương [Magna Carta] năm 1215 nhìn nhận những quyền tự do lớn cho giới quí tộc, đã không còn là một nền quân chủ tuyệt đối trung ương tập quyền nữa. Sự áp bức vẫn còn nhưng là những áp bức của các lãnh chúa địa phương không đủ mạnh, phải dựa vào dân chúng, do đó cần người dân và phải tương đối nể nang người dân. Đặc điểm của Đại Hiến Chương là nó định chế hóa đối thoại chính trị, buộc nhà vua phải tham khảo với một nghị viện. Nó cũng nhìn nhận cả quyền nổi loạn chống bạo quyền.
Cuộc cách mạng của Oliver Cromwell (1599-1658), năm 1649 giáng một đòn chí tử vào cả quyền lực lẫn danh giá của triều đình London (vua Charles I bị hành quyết và một thể chế cộng hòa ngắn ngủi được thành lập). Năm 1688, sau một cuộc cách mạng ngắn, các nguyên tắc tự do dân chủ được chính thức ban hành, mở đầu một giai đoạn phát triển huy hoàng. Sự hiện diện của chính quyền từ đó trở nên giới hạn và ngay cả các giá trị cũng thay đổi. Làm quan tướng trong triều đình không vinh quang hơn là làm những phú nông, phú thương. Phải nói ngay rằng những thay đổi ngoạn mục này có rễ từ rất lâu đời. Thói quen sinh sống trong bối cảnh phóng khoáng đã đem lại cho người Anh, kể cả quí tộc, một tâm lý rất khác so với lục địa châu Âu. Họ không khinh thường những hoạt động sản xuất (có cả một huân tước được mang danh hiệu "huân tước củ cải" vì trở thành giàu có nhờ sản xuất và cổ võ cho củ cải đường). Cuộc sống hải đảo đã đem lại cho họ một tâm lý đặc biệt, phiêu lưu mạo hiểm nhưng lại không màng những danh giá phù phiếm của quyền lực. Vả lại, cũng tương tự như trường hợp Hòa Lan, họ vừa được các đế quốc hùng mạnh ở lục địa bỏ quên, vừa không thể xưng hùng xưng bá để tránh búa rìu. Sau này từ thế kỷ 18 trở đi, khi họ tự nhận ra mình đã quá mạnh và đi chinh phục thế giới, là một chuyện khác.
Nét đặc thù của nước Anh từ trước thế kỷ 17, khi hiện tượng phát triển bắt đầu xuất hiện một cách rõ rệt, là một không khí cởi mở, phóng khoáng và tự do. Nước Anh đã là nước dân chủ đầu tiên trên thế giới, trước rất lâu so với các nước khác. Tại sao ? Đó là câu hỏi rất phức tạp mà một cuốn sách vài trăm trang cũng không thể trả lời một cách đầy đủ, nhưng lý do chủ yếu có lẽ là địa lý. Đối với chúng ta ngày nay, Anh là một đảo nhỏ về diện tích, nhưng cho tới thế kỷ 16 đó là một lãnh thổ bao la đối với khoảng 3 hay 4 triệu dân. Cuộc sống tản mác trên một lãnh thổ phì nhiêu đồng đều đó không cho phép ra đời một chính quyền trung ương mạnh. Cuộc sống hải đảo biệt lập cũng không làm nảy sinh ra những tham vọng quyền lực điên cuồng. Thêm vào đó, những con người sống với biển cả và dám thách thức biển cả cũng không dễ chấp nhận cuộc sống phục tùng tuyệt đối của những kẻ nô lệ.
Cuộc sống thủy thủ cũng đã đem lại cho họ tập quán yêu thích buôn bán. Napoléon I có lần nhận định một cách không mấy nể nang rằng người Anh là một "dân tộc bán tiệm" [un peuple de boutiquiers]. Ông đã lầm, người Anh không chỉ "bán tiệm", họ là những thương gia có viễn kiến rất sớm. Ngay từ thế kỷ 15, họ đã thành lập nhiều công ty buôn bán có tầm vóc lớn. Một trong những công ty đó mang một tên đầy ý nghĩa "Đồng Đội Của Những Nhà Mạo Hiểm Thương Mại Luân Đôn" [Fellowship of the Merchant Adventurers of London]. Cần ghi nhận "mạo hiểm" nhưng cũng cần ghi nhận "đồng đội".
Người Anh có một đặc điểm là rất thích những kết hợp ngoài chính quyền, những kết hợp của những người cùng theo đuổi một mục đích và cùng chấp nhận một luật chơi. Chính họ đã phát minh ra các Club, mà hầu hết mọi ngôn ngữ khác đều dùng và chúng ta phiên âm là câu lạc bộ. Xã hội dân sự tại Anh xuất hiện rất sớm và phát triển rất nhanh, rất mạnh. Cho đến nay, tham gia các hội đoàn và câu lạc bộ vẫn là một nét đặc thù của người Anh. Tất cả những yếu tố đó đều là đặc tính của một sinh hoạt dân chủ. Người Anh gieo hạt giống dân chủ một cách vô tình, rất lâu trước khi họ có tư tưởng dân chủ. Và họ cũng đã có tư tưởng dân chủ rất sớm. Vài dẫn chứng :
Một nhà tư tưởng, Dudley North, viết năm 1691 : "Hòa bình, cố gắng và tự do, chứ không phải bất cứ một lý do nào khác, đem lại thương mại và giàu có" và "vai trò của luật pháp là đảm bảo hòa bình, công lý và khuyến khích các công nghệ bằng cách tôn vinh chúng". Vài năm sau, năm 1699, Charles Davenant (1656-1714), dân biểu Anh, viết: "Tự do và phồn vinh đi cùng với nhau tay trong tay".
Lý do nào đã khiến một dân tộc vài triệu dân trên một hòn đảo vào thế kỷ 16 trở thành bá chủ hoàn cầu hai thế kỷ sau đó ? Câu trả lời ở đây rất là hiển nhiên : một chế độ tự do dân chủ, nhà nước nhẹ, một xã hội dân sự năng động và lòng yêu thích thương mại. Nhưng điều cần được đặc biệt chú ý ở đây là bối cảnh tự do đã xuất hiện rất lâu trước khi sự giàu có ló dạng. Những hạt giống của tự do dân chủ đâm mộng, thành cây, rồi trổ hoa kết trái. Trái cây ở đây là sức mạnh và sự phồn vinh.
Hoa Kỳ: đất nước của những con người tự do và dũng cảm
Châu Mỹ đã được khám phá ra từ năm 1492 và hầu như ngay sau đó các chính quyền Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ra công khai phá và khai thác. Sự khai thác này đã rất thành công, nếu ta không nghĩ đến chính sách diệt chủng của những đoàn conquistadors đầu tiên. Châu Mỹ được coi như một kho của vô tận. Ngày nay nếu được hỏi về nước Peru, đa số chúng ta sẽ chỉ biết mang máng rằng đó là môt nước ở Nam Mỹ, có một ông tổng thống người Nhật tên là Fujimori gì đó, không lớn lắm, không giàu lắm và khá lộn xộn. Hơi giản lược nhưng mà đúng. Vậy mà cho tới thế kỷ 19, Peru đồng nghĩa với thiên đường hạ giới. Trong tiếng Pháp, thành ngữ "trouver le Pérou" [tìm thấy nước Peru] vẫn được coi là đồng nghĩa với may mắn và đạt ước mơ.
Sự khai thác châu Mỹ tiến triển mạnh ngay sau khám phá của Columbus, nhưng chỉ giới hạn ở vùng "châu Mỹ La Tinh" thuộc Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Vùng đất phía Bắc thuộc Hoa Kỳ và Canada hiện nay vẫn bị bỏ hoang. Anh và Pháp cạnh tranh nhau khai phá vùng đất này nhưng cả hai nước đều gặp nhiều vấn đề nội bộ, và lại còn bận chống nhau nữa, nên không đặc biệt chú ý đến châu Mỹ. Việc di dân và khẩn hoang vùng đất này không nằm trong một chính sách quốc gia nào mà do sáng kiến của những công ty tư nhân. Từng đoàn người lẻ tẻ trên những con tàu mong manh kéo nhau tới đó. Trong tuyệt đại bộ phận họ là những người bị phân biệt đối xử nên phải ra đi chứ không phải vì Pháp hay Anh thiếu đất. Nước Pháp vào thế kỷ 16 tuy là nước đông dân hạng nhì thế giới (sau Trung Quốc nhưng trước Ấn Độ) nhưng chỉ có khoảng 20 triệu dân mà thôi. Nước Anh lúc đó không có tới 4 triệu dân. Những người ra đi đều là thành phần nghèo khổ và bị hắt hủi, phần lớn là người Anh ; nước Pháp trong suốt tiến trình di dân chỉ gởi qua Québec sáu ngàn người và một số ít hơn tới Louisiana.
Cho tới ngày 9 tháng 6 năm 1620, khi con tàu Mayflower cập bến, với một trăm người di dân, trên cả lãnh thổ Hoa Kỳ bao la chỉ có khoảng hai ngàn người da trắng. Những người di dân tới đây không sống dưới một chính quyền nào, họ ít quá để triều đình Anh chú ý, những người chủ bỏ tiền cho họ vượt đại dương thì ở quá xa và cũng chỉ quan tâm lấy lại vốn cộng thêm lời của số tiền đầu tư bỏ ra, còn lại thì để mặc họ muốn làm gì thì làm. Khoảng 40 người trên tàu Mayflower rủ nhau đi lập nghiệp tại Provincetown, trong bang Massachussetts. Đến nơi họ thảo chung với nhau một kết ước sống chung, Kết ước Mayflower [The Mayflower Compact]. Không biết họ có ý thức được không, nhưng những con người thô sơ và mỏng manh đó (phân nửa đã chết trong mùa đông giá lạnh đầu tiên) đã làm một trong những hành động sáng tạo vĩ đại nhất trong lịch sử loài người. Đó là tuyên ngôn thành lập một xã hội tự do, dân chủ và pháp trị:
"[...] Chúng tôi thỏa thuận thành lập với nhau một tập thể. [...] Mỗi khi thấy cần thiết cho phúc lợi chung, chúng tôi sẽ làm ra và ban hành các luật lệ đúng đắn và đồng đều cho tất cả, và chúng tôi sẽ tuân phục những luật lệ đó".
Tinh thần Mayflower đã mau chóng trở thành tinh thần nền tảng của xã hội Hoa Kỳ. Hoa Kỳ có một đặc điểm nổi bật : đó là quốc gia ngay từ lúc thai nghén đã không hề biết một chế độ nào khác ngoài tự do và dân chủ. Đó quả là đất nước của những con người tự do [land of the free]. Năm 1776, khi tuyên bố độc lập, dù đã tiến bộ rất nhiều, họ mới chỉ có hai triệu rưỡi dân nghèo đói, trình độ văn hóa thấp, phần lớn không biết đọc biết viết và hơn nữa rất xa lạ với nhau. Dân chủ và tự do đã dần dần đem đến sự gắn bó, ý thức quốc gia, sáng kiến và sức mạnh. Tân quốc gia Hoa Kỳ đã lôi cuốn những người yêu chuộng tự do dân chủ tại châu Âu. Lòng tin vào tương lai đã cho họ một tỷ lệ sinh đẻ cao. Một thế kỷ sau, năm 1890, họ là quốc gia tiến bộ nhất và hùng mạnh nhất thế giới với 63 triệu dân. Bước vào thế kỷ 21 và thiên niên kỷ thứ ba, họ là siêu cường độc nhất của thế giới với gần 300 triệu dân. Thế kỷ 21 sẽ còn là thế kỷ Hoa Kỳ, sự hơn hẳn sẽ còn gia tăng lên chứ không giảm đi trong nhiều thập niên. Trường hợp Hoa Kỳ chứng tỏ tự do và dân chủ không đòi hỏi một trình độ văn hóa hay kinh tế nào, trái lại còn là lý do thúc đẩy phát triển kinh tế và văn hóa.
Nhật Bản: tự do trá hình và dân chủ giấu mặt
Người Việt Nam sùng bái sự học một cách quá đáng và lệch lạc nên bất cứ một điều gì, dù sai tới đâu, mà đã được nhồi sọ ở trường học cũng trở thành một chân lý rất khó lay chuyển. Một trong những sai lầm lớn mà hầu như mọi người Việt Nam, bất luận có bằng cấp nào, cũng tin một cách chắc nịch là nhờ vua Minh Trị sáng suốt biết canh tân kịp thời mà nước Nhật đã trở thành tân tiến và hùng mạnh. Tôi đã gặp không biết bao nhiêu trí thức tiếc rằng các vua Minh Mạng, Tự Đức đã không được như Minh Trị, nếu không Việt Nam chắc đã không thua Nhật Bản.
Sự thực Minh Trị không hơn gì Tự Đức, và nước Nhật đã không tiến lên nhờ Minh Trị. Không những thế, còn có thể nói chính Minh Trị đã bẻ gãy, hay đúng hơn đã là dụng cụ để giúp đám quân phiệt bẻ gãy đà tiến hài hòa của Nhật Bản về tương lai. Cuối "lộ trình Minh Trị" là một cuộc chiến tự hủy, hai trái bom nguyên tử và một phần quan trọng của lãnh thổ bị mất.
Minh Trị lên ngôi năm 1867, lúc mới 14 tuổi. Phải mê tín dị đoan mới có thể tin một cậu bé bằng ấy tuổi và được nuôi nấng trong hoàng cung có thể có cả một dự án canh tân đất nước. Thực ra Minh Trị lên ngôi vào đúng lúc quyền bính nước Nhật rối loạn hoàn toàn, các sứ quân liên kết với nhau lật đổ và chấm dứt chế độ chúa công [shogun] được thiết lập từ thế kỷ 12 theo một mô hình tương đương như vua Lê chúa Trịnh tại nước ta. Lúc đó nước Nhật đã tiếp xúc với phương Tây từ hơn ba thế kỷ, từ năm 1543, nghĩa là cùng một lúc với Việt Nam.
Vào thời điểm Minh Trị lên ngôi, nước Nhật đã thay đổi rất nhiều rồi, khác hẳn với Việt Nam. Câu chuyện sau đây đủ nói lên mức độ phát triển của nước Nhật trước khi người phương Tây đến. Một người Bồ Đào Nha, tên là Pinto, đến nước Nhật vào khoảng cuối thế kỷ 16 đem theo một cây súng. Ông ta khoe hiệu lực của cây súng hơn hẳn những thanh kiếm của các hiệp sĩ Nhật, rồi cho mượn. Vài tháng sau, khi ông ta ra đi, người Nhật đã chế ra được 500 khẩu súng giống hệt như vậy. Hai năm sau trên toàn nước Nhật có tới 300.000 khẩu súng Pinto. Kỹ năng của người Nhật đã tiến tới một trình độ rất cao ngay từ thế kỷ 16.
Các tài liệu của nước ta, cũng như phần lớn các tài liệu phiến diện của phương Tây mà ta sao dịch lại, đánh dấu sự mở cửa của Nhật về phương Tây từ năm 1853 (tức mười bốn năm trước khi Minh Trị lên ngôi) khi phó đề đốc [comodore] Perry chỉ huy một đoàn chiến hạm Mỹ tiến vào cảng Đông Kinh đưa tối hậu thư buộc Nhật mở cửa khẩu cho tàu bè phương Tây, và Nhật nhượng bộ. Thực ra, một cách không chính thức, Nhật đã mở cửa cho phương Tây và đã tiếp thu rất nhiều kỹ thuật và phương pháp phương Tây từ ba thế kỷ trước rồi. Người Nhật đã quen với phương Tây và đã đủ tiến hóa để hiểu sức mạnh của phương Tây. Họ nhượng bộ vì hiểu biết chứ không phải vì nhát sợ. Họ đã quen sử dụng lịch phương Tây từ lâu, cho nên năm 1873 họ bỏ hẳn lịch Tàu để chỉ dùng lịch Tây. Họ cũng đã mở những trường học về y khoa và khoa học cơ bản từ thập niên 1720, nổi tiếng nhất là Trường Hòa Lan (người Nhật quả nhiên biết chọn thầy!). Năm 1744, họ xây một đài quan sát thiên văn với hai kính viễn vọng lớn. Từ năm 1810, họ tổ chức cả một cơ quan chuyên môn dịch sách khoa học kỹ thuật phương Tây. Ngày 7 tháng 1 năm 1870, đúng ba năm sau khi Minh Trị lên ngôi, bức điện tín đầu tiên được đánh đi từ Tokyo.
Nước Nhật đã rất tiến bộ khi người phương Tây đến. Chính nhờ tiến bộ mà họ đã nhận thức được sự hơn hẳn của phương Tây và đã hấp thụ rất mau chóng các kỹ thuật phương Tây. Tại sao ? Đó là nhờ một sự kiện ngoài chủ đích của mọi người. Xã hội Nhật do các lãnh chúa thống trị dựa trên giai cấp hiệp sĩ. Các lãnh chúa và các hiệp sĩ cực kỳ kiêu căng không thèm hòa trộn với dân chúng mà để mặc quần chúng tự tổ chức lấy cuộc sống của mình, miễn là nộp đủ thuế. Trong tình trạng ấy, quần chúng Nhật tuy ở sát nhưng thực ra lại sống rất xa giai cấp thống trị. Họ không thể tổ chức thành chính quyền nếu không muốn lãnh búa rìu và họ phải tìm cách sinh sống với nhau trong đồng thuận để tránh những can thiệp của bọn hiệp sĩ. Một cách tiệm tiến và thầm lặng, một sinh hoạt tự do đã hình thành giữa quần chúng với nhau, dưới sự giám sát từ xa của các lãnh chúa. Đó là lý do khiến xã hội Nhật đã phát triển, rồi chính sự phát triển này đã tạo ra áp lực buộc giới cầm quyền Nhật nhượng bộ dần dần.
Ở đây, Nhật cũng không phải là một ngoại lệ. Nhật cũng đã phát triển nhờ tự do dân chủ, dù là tự do trá hình, dân chủ giấu mặt. Không hiểu được điều này là không hiểu phép mầu Nhật Bản, một phép mầu đã bắt đầu từ trước khi người phương Tây tới và đã gia tăng vận tốc sau đó. Minh Trị sau khi lên ngôi đã chỉ là một biểu tượng giúp cho đám quân phiệt tiêu diệt dần tự do dân chủ và đưa Nhật Bản đến bế tắc. Những năm cuối của triều đại Minh Trị còn là những năm đen tối cho nước Nhật: bành trướng quân sự, chiếm Đài Loan và Cao Ly, đàn áp đẫm máu ở trong nước. Khi Minh Trị chết, năm 1912, chế độ Nhật trở thành một chế độ độc tài quân phiệt thuần túy với hậu quả mà chúng ta đã thấy. Sau thế chiến II, Nhật bại trận, phải đầu hàng không điều kiện, chấp nhận một hiến pháp tự do do Hoa Kỳ áp đặt và giám sát, và nước Nhật lại vươn lên.
Những xã hội phồn vinh khác
Đến đây chúng ta đã xong một cuộc hành trình qua những kinh nghiệm phát triển. Chúng ta đã dừng chân ngắn ngủi tại các chặng đường Hòa Lan, Anh, Mỹ và Nhật. Cuộc hành trình vội vã này đã không cho phép chúng ta dừng lại ở một số phép mầu tại một số quốc gia khác.
Như Thụy Sĩ, quốc gia nhỏ bé và bị quên lãng trong nhiều thế kỷ, không có bờ biển, không tài nguyên thiên nhiên, lại thêm núi non trùng điệp, vậy mà đã trở thành quốc gia giàu có nhất thế giới. Trong nhiều thế kỷ Thụy Sĩ đã là vùng đất không nước nào dòm ngó, nó đã thành đất dung thân của người Đức, người Pháp, người Ý muốn xa lánh bạo lực và sự bất dung. Người Thụy Sĩ đã xây dựng với nhau một xã hội tự do dân chủ theo phương châm dĩ hòa vi quí. Và họ đã tìm được hạnh phúc. Đặc điểm của Thụy Sĩ mà mọi người đều biết là có một chế độ dân chủ đi xa nhất trong mọi chế độ dân chủ : dân chủ trực tiếp ở một số địa phương.
Hay như trường hợp của các nước Bắc Âu, Đan Mạch và Thụy Điển (cho tới gần đây Thụy Điển là nước có lợi tức bình quân trên mỗi đầu người cao nhất châu Âu). Các quốc gia xa xôi băng giá và ít người này cũng ở trong thế "chẳng ai để ý đến họ và họ cũng chẳng dám vênh váo thách thức với ai". Họ tổ chức với nhau một xã hội đồng thuận và khiêm nhường, tôn trọng tự do và sáng kiến của mỗi người. Và họ đã là những quốc gia phát triển đầu tiên ; như phần đầu bài này đã nói, vùng biển Baltic đã phát triển rất sớm.
Cùng một hiện tượng
Điều ngạc nhiên và lý thú là dưới những bề ngoài có vẻ rất khác nhau cùng một hiện tượng đã được lặp lại.
Hiện tượng diễn ra như sau: một cộng đồng quốc gia vào một lúc nào đó, do một tình cờ địa lý hay lịch sử, rơi vào một hoàn cảnh đặc biệt, quyền lực khống chế không quan tâm tới họ và để mặc họ sống với nhau. Một tổ chức xã hội mới đã dần dần hình thành với bốn đặc tính: một là vì không có chọn lựa nào khác họ đã tổ chức với nhau một chính quyền tối thiểu, thậm chí không chính thức, và sinh sống với nhau theo qui luật tự nhiên của thị trường; hai là do không thể có tham vọng quyền lực, mọi người tập trung cố gắng làm giàu; ba là do chính quyền không can thiệp vào đời sống hàng ngày, người dân được hưởng một mức độ tự do lớn, do đó phát huy tối đa sáng kiến; bốn là thương mại được ưa chuộng và tôn vinh. Yếu tố thứ tư thực ra chỉ là một hậu quả của yếu tố thứ hai và nhất là thứ ba. Đã chủ tâm làm giàu và lại được tự do phát huy sáng kiến thì chắc chắn con người trở thành mạo hiểm, thích trao đổi và buôn bán.
Chính quyền nhẹ, tự do và dân chủ, kinh tế thị trường, ham mê làm giàu, trọng thương mại và cởi mở với thế giới bên ngoài là những yếu tố đem tới sự giàu có. Những yếu tố đó là nguyên nhân thực sự của phát triển, cho dù chúng xuất phát trong hoàn cảnh nào. Chúng ta có thể coi đó là một định luật đúng trong mọi trường hợp. Ngay cả các thị trấn thương mại đã phát triển sớm nhất cũng không phải là ngoại lệ. Kiến thức của tôi rất nhiều giới hạn, nhưng những kinh nghiệm phát triển mà tôi có dịp nghiên cứu, và tôi có cảm tưởng không bỏ sót trường hợp quan trọng nào, cho tôi một nhận xét là trong chiều sâu mọi phát triển trên phạm vi quốc gia đều có cùng một nguyên nhân, dù bề ngoài chúng có thể bộc lộ dưới một lý do đặc biệt: tôn giáo, khí hậu, tài nguyên thiên nhiên, v.v... Điều đáng lưu ý là thực ra nhiều chế độ độc tài hoặc thiếu dân chủ cũng đã nhận ra điều này. Đó là lý do khiến họ cho phép lập ra những khu chế xuất, vùng kinh tế đặc biệt, v.v... mà đặc tính là ở đó tự do được thả lỏng, các thủ tục được giảm nhẹ, sự hiện diện của chính quyền bớt lộ liễu. Các vùng này đều đã thành công và khiến nhiều kinh tế gia coi chúng như một giải pháp. Nhưng đây chỉ là một biện pháp nửa chừng. Nếu các khu chế xuất có lợi, tại sao không mở rộng cho cả nước ?
Nét đậm nhất cần ghi nhớ sau những dòng này là, một mặt, xã hội tự do dân chủ kích thích cố gắng và cho phép con người phát huy tối đa khả năng của mình, và mặt khác, tự do dân chủ không đòi hỏi một điều kiện nào, nó phù hợp với mọi xã hội và mọi trình độ. Các dân tộc vươn lên đầu tiên đã tình cờ đạt tới tự do và dân chủ trong trường hợp đặc biệt. Ngày nay, đã hiểu được phúc lợi của tự do và dân chủ, chúng ta có thể cố ý tạo dựng tự do và dân chủ để vươn lên.
Kết luận trên đây có phải là hiển nhiên quá đến độ nhạt nhẽo không? Nếu được như vậy thì còn gì hơn, nhưng điều đáng buồn là không. Tôi đã quá nhiều lần được nghe từ miệng những vị khoa bảng cao, kể cả những vị tự coi và được coi là những chuyên viên kinh tế, kể cả một số người hoạt động chính trị dưới danh nghĩa dân chủ, nói tới một trình độ dân trí tối thiểu để có dân chủ, hay tự do quá trớn, dân chủ quá trớn, hay dân chủ tự do có nguy cơ dẫn tới vô trật tự và hỗn loạn v.v... Những lúc đó tôi chua chát nhớ tới lời nói của một ông thầy tôi: "Có bằng cấp chưa phải là có kiến thức và thực học".
Trước khi chấm dứt chương này, tôi thấy cần thêm hai chú thích.
Một là, những dòng trên có thể khiến độc giả nghĩ tôi phản bác Max Weber. Sự thực là không, Weber là một trong những nhà lý luận về kinh tế và xã hội mà tôi ngưỡng mộ nhất. Những đóng góp của ông thật là to lớn. Nếu nhìn mặt trăng thay vì chỉ nhìn ngón tay chỉ mặt trăng thì ta thấy Weber nói đúng. Đạo Tin Lành chỉ là ngón tay mà thôi, điều mà Weber thực sự khám phá ra cho chúng ta là tầm quan trọng quyết định của văn hóa. Chính vì thế mà các quốc gia tự do dân chủ như nhau đã có những nhịp độ phát triển khác nhau vì văn hóa khác nhau. Phát triển, kể cả phát triển kinh tế, chủ yếu là do tâm lý con người, mà tâm lý con người là sản phẩm của văn hóa. Ở thời đại mà Weber nghiên cứu, thời đại của các thế kỷ 16, 17 và 18, tôn giáo là yếu tố áp đảo của văn hóa. Văn hóa Tin Lành cởi mở, phóng khoáng, lấy đối thoại làm căn bản thay cho giáo điều, khuôn phép. Đó là một văn hóa tự do. Đạo Tin Lành đã đem lại phồn vinh (không ai có thể chối cãi là các dân tộc theo đạo Tin Lành tiến bộ hơn hẳn các dân tộc theo các tôn giáo khác) vì nó chuyên chở văn hóa tự do và đối thoại. Nhưng chúng ta cũng có thể đạt tới một văn hóa tự do, lấy chính tự do, dân chủ và đa nguyên làm những giá trị căn bản, mà không cần cỗ xe Tin Lành.
Hai là, những biện luận trên đây có một chỗ yếu là đã gán ghép tự do và dân chủ, trong khi các kinh nghiệm chỉ chứng tỏ tự do đã đóng vai trò quyết định. Các nước phát triển đầu tiên đã bắt đầu phát triển ngay từ khi chưa hẳn có dân chủ, nếu hiểu dân chủ là thể chế chính trị trong đó những người cầm quyền được dân chúng tự do bầu ra trong một nhiệm kỳ giới hạn nhất định. Trong một phần khác tôi sẽ trở lại vai trò của dân chủ. Ở đây chỉ xin nói một cách vắn tắt: quả thực tự do mới cần thiết và mới là cứu cánh, nhưng dân chủ là yếu tố cần thiết để đảm bảo tự do, để đà phát triển có thể tiếp tục thay vì bị gãy đổ giữa đường.
Trích từ sách chính luận "Tổ Quốc Ăn Năn" của Nguyễn Gia Kiểng
Ngày lưu: 16-01-2011
___________________________
Bài viết liên quan:
Chế độ cộng sản sẽ còn kéo dài tới bao giờ? (Nguyễn Gia Kiểng)
Giành quyền tự do kết hợp (Nguyễn Gia Kiểng)
[VI] Đi tìm một mô thức phát triển đất nước (Nguyễn Gia Kiểng)
[V] Đi tìm một mô thức phát triển đất nước (Nguyễn Gia Kiểng)
[IV] Đi tìm một mô thức phát triển đất nước (Nguyễn Gia Kiểng)
[III] Đi tìm một mô thức phát triển đất nước (Nguyễn Gia Kiểng)
[I] -Đi tìm một mô thức phát triển đất nước (Nguyễn Gia Kiểng)
Một trang sử mới đã mở ra (Nguyễn Gia Kiểng)
Đăng nhận xét