Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2014

Vận động trí thức, dễ hay khó?

Posted By Unknown on Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2014 | 19:59

Việt Hoàng - ethongluan: Bất cứ một cuộc cách mạng nào xảy ra trên thế giới cũng chỉ có hai phương cách:

1) Từ trên xuống, tức là thay đổi từ thượng tầng xã hội. Cuộc cách mạng này do lực lượng có quyền thế trong xã hội lãnh đạo như các nhân vật bất đồng chính kiến trong giới cầm quyền hoặc do giới tư sản, trung lưu liên kết với nhau.

2) Từ dưới lên, tức là các cuộc cách mạng đường phố, do giai cấp cùng khổ vì quá sức chịu đựng đứng dậy làm cách mạng.

Diễn biến và hậu quả của hai cuộc cách mạng này như thế nào thì có lẽ mọi người đều đã thấy rõ. Các cuộc cách mạng “từ trên xuống” ít gây đổ vỡ và xáo trộn cho xã hội đồng thời đảm bảo sự chuyển giao quyền lực diễn ra trong êm thắm. Trong khi đó các cuộc cách mạng “từ dưới lên” bắt buộc phải tiến hành bằng bạo lực, không những “máu chảy đầu rơi” trong lúc hỗn loạn của giai đoạn giao thời mà hậu quả và những vết thương tinh thần để lại trong mọi tầng lớp nhân dân sẽ kéo dài trong nhiều thập niên sau đó. Cuộc cách mạng “từ dưới lên” do đảng cộng sản lãnh đạo đã để lại một đất nước nghèo khó và hận thù như Việt Nam là một bài học đắt giá cho tất cả chúng ta.

Tuy nhiên không phải ai cũng đồng tình với phương pháp làm cách mạng từ trên xuống vì quả thật là nó rất khó khăn. Dùng bạo lực để làm cách mạng tuy mất mát và hy sinh rất lớn nhưng lại dễ hiểu, dễ động viên và không cần lý luận dài dòng. Hơn nữa phương pháp này lại phù hợp với văn hóa và lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân ta. Trong khi đó làm cách mạng dân chủ bất bạo động lại chủ yếu là bằng lời nói, sự trung thực, sự hiểu biết…để thuyết phục mọi người. Thay vì cầm súng thì những người làm cách mạng phải cầm bút và phải trau dồi khả năng tư duy, lý luận, sự hùng biện để chinh phục đối phương. Để có được một khả năng tư duy và hùng biện thì rất cần tôn trọng sự thật và phải cần đến khối kiến thức lớn về mọi mặt của cuộc sống và đây là điều khó khăn với những người thiếu kiên nhẫn. Xui một người ném gạch đá vào đâu đó dễ hơn là thuyết phục người đó cầm khẩu hiệu đi biểu tình đòi quyền lợi.

Chính vì khó và liên quan đến vấn đề trí tuệ của con người nên cuộc đấu tranh cho dân chủ bằng phương pháp bất bạo động phải đặt lên vai giới trí thức Việt Nam. Điều này cũng phù hợp với xu thế văn minh của thế giới. Vì vậy, thay vì “vận động quần chúng” nhân dân nghèo khó để làm một cuộc cách mạng từ dưới lên như đảng cộng sản đã từng làm thì chúng ta nên chọn phương pháp “vận động trí thức” hay“thuyếtphụctrí thức” để làm một cuộc cách mạng ôn hòa từ trên xuống. Nhữngtrí thức này có thể là những đảng viên và cán bộ cao cấp trong quân đội, công an…Vận động được trí thức đương nhiên sẽ động viên được nhân dân. Phương pháp này sẽ là sự kết hợp giữa những đảng viên cộng sản cao cấp của chế độ, những người yêu nước và mong muốn cho Việt Nam có dân chủ thật sự với các tổ chức chính trị đối lập đứng đắn và có tiềm năng. (Xin xem phần phụ lục bài viết: Phong trào dân chủ hải ngoại và việc dân chủ hóa Việt Nam của tác giả Người Sài Gòn).

Một câu hỏi quan trọng được đặt ra là: Có thể nào vận động được tầng lớp trí thức Việt Nam tham gia vào cuộc cách mạng dân chủ bất bạo động để đem lại dân chủ thật sự cho Việt Nam hay không? Hay đơn giản cho dễ hiểu: Vận động trí thức khó hay dễ? Dù biếtlà khó nhưng đó là sự lựa chọn đúng đắn nhất để Việt Nam có một tương lai tươi sáng, hạnh phúc và thịnh vượng.

Di sản của lịch sử với văn hóa Khổng Giáo là vật cản rất lớn cho việc dấn thân của trí thức Việt Nam. Vẫn còn những trí thức xem các hoạt động chính trị là để làm quan chứ không phải để thay đổi xã hội và phụng sự nhân dân. Trí thức Việt Nam là “trí thức phục vụ” cho kẻ cầm quyền chứ không phải là trí thức tranh đấu, dẫn dắt và lãnh đạo quần chúng. Xuất phát từ tâm lý và di sản văn hóa đó khiến trí thức Việt Nam không dám nghĩ đến những giấc mơ lớn như làm cách mạng để đổi đời cho cả dân tộc và vì vậy họ tự mâu thuẫn với chính sự hiểu biết và ước mơ của họ. Cũng chính do nhân sinh quan trí thức chỉ là kẻ phục vụ cho giới cầm quyền nên tâm lý không muốn thấy ai hơn mình và không ai phục ai vẫn chi phối mạnh đến tầng lớp trí thức ‘xã hội chủ nghĩa’ ở Việt Nam và kể cả khối trí thức đông đảo ở hải ngoại. Một lý do quan trọng không kém khiến trí thức Việt Nam chưa mạnh mẽ dấn thân cho dân chủ là vì họ còn có những thứ để mất. Ngay cả dưới các chế độ độc tài thì tầng lớp trí thức vẫn được trọng dụng, đúng ra là được sử dụng. Bổng lộc dù không nhiều và thỏa đáng nhưng vẫn khá hơn so với những thành phần khác trong xã hội. Đổi lại họ phải trung thành, ít ra là không được phản kháng và phải chấp nhận hy sinh “một phần đáng kể tâm hồn” của họ, như quyền được nói, quyền được chia sẻ suy nghĩ chẳng hạn.

Vì trí thức Việt Nam bị tước đoạt vai trò dẫn đường và lãnh đạo nên họ trở nên kém cỏi về ý chí đấu tranh, kém về kiến thức chính trị và kém về kỹ thuật đấu tranh chính trị. Việt Nam vẫn còn thiếu một tầng lớp trí thức chính trị tinh hoa. Trí thức Việt Nam không biết và cũng không muốn học hỏi.

Làn sóng dân chủ thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, đặc biệt là tại các nước Ả Rập cộng với sự hỗ trợ đắc lực của mạng internet sẽ làm thức tỉnh tầng lớp trí thức Việt Nam. Để thay đổi cả một di sản văn hóa ăn sâu vào tư tưởng hàng ngàn năm cần có thời gian và thời gian đang làm công việc của nó. Dù lâu dài và khó khăn nhưng trí thức Việt Nam nhất định sẽ trưởng thành để nhận lãnh vai trò đầu tàu, dẫn dắt và lãnh đạo quần chúng. Làn sóng dân chủ mới sẽ hoàn thành sứ mệnh của nó tại Syria và Iran sau đó sẽ tràn đến phần còn lại của thế giới, trong đó có Việt Nam.

Khủng hoảng kinh tế tại Châu Âu và Mỹ sẽ khiến các nước này xét lại nghiêm túc các giá trị của dân chủ mà họ đã bỏ bê suốt thời gian qua. Chủ nghĩa thực tiễn đã phá sản hoàn toàn. Trung Quốc, chổ dựa cho chính quyền Việt Nam sẽ gặp khốn đốn trong thời gian tới do tình hình kinh tế chính trị trong nước gặp nhiều bất ổn. Sức ép của thế giới văn minh lên các chế độ độc tài sẽ mạnh mẽ hơn. Trí thức Việt Nam cần nhanh chóng rũ bỏ những di sản nặng nề của quá khứ để dấn thân cho đất nước. Để làm được điều đó thì trí thức Việt Nam cần đầu tư thời gian để học hỏi về kiến thức chính trị, kỹ thuật đấu tranh chính trị, văn hóa của tổ chức… Họ phải hiểu rằng đấu tranh cho dân chủ là cuộc là cuộc đấu tranh nơi chốn nghị trường, giữa các tổ chức chính trị với nhau chứ không phải giữa các cá nhân, vì thế phải có tổ chức. Một người dù có giỏi đến đâu mà không có tổ chức thì cũng không làm được gì, cũng sẽ không có ai làm hộ việc đó cho trí thức mà bản thân mỗi trí thức Việt Nam phải có trách nhiệm chung tay xây dựng một tổ chức chính trị, trước là cho mình và sau đó là cho đất nước.

Để trí thức Việt Nam xứng đáng là người dẫn đường và lãnh đạo quần chúng thì họ cần có một lộ trình đấu tranh cho hiện tại và cả mô hình quản lý đất nước trong tương lai. Ngay bản thân nhữngngườidấnthânchodânchủcũng cần đồng thuận với nhau về các giá trị nền tảng và một số định hướng lớn cho Việt Nam. Để rồi từ đó trí thức Việt Nam phải làm cho nhân dân hiểu được là cần làm gì trong hiện tại và tương lai sẽ đi về đâu. Người dân càng hiểu biết và nắm rõ về lộ trình đi đến tương lai thì cuộc cách mạng dân chủ càng thuận lợi và sớm thành công. Cũng vì lý do đó mà chúng tôi không ngần ngại nhắc lại một lần nữa về những đồng thuận nền tảng và những định hướng cho một nước Việt Nam mới, với niềm hy vọng và tin tưởng tuyệt đối vào tầng lớp trí thức Việt Nam, trong cũng như ngoài nước, trong đảng cũng như ngoài đảng, trẻ cũng như già…

Những Đồng thuận nền tảng cho một Việt Nam mới:

1. Quốc gia Việt Nam phải được quan niệm như là một không gian liên đới và một dự án tương lai chung. Nhà nước chỉ là công cụ để thực hiện một đồng thuận dân tộc. Nhà nước ấy phải ở trong và ở dưới quốc gia, và phải xuất phát từ chọn lựa tự do của dân chúng.

2. Thể chế của Việt Nam phải là thể chế dân chủ đa nguyên, tôn trọng mọi khác biệt và dành chỗ đứng ngang nhau cho mọi người và cho mỗi người. Nhà nước phải thực sự tản quyền, cho phép các địa phương tự tổ chức sinh hoạt của mình theo những điều kiện đặc biệt. Nhà nước đặt nền tảng trên thỏa hiệp thay vì xung khắc. Nhà nước coi công bằng xã hội là một ưu tư thường trực. Nhà nước dân chủ đa nguyên phải là một nhà nước nhẹ, tuyệt đối tôn trọng và thực thi luật pháp, tập trung vào sứ mệnh hòa giải những tranh chấp, trọng tài các quan hệ trong xã hội dân sự và chế tài những vi phạm.

3. Hòa giải và hòa hợp dân tộc là một bắt buộc. Hòa giải để xóa bỏ những hận thù và hiềm khích do lịch sử để lại giữa các sắc tộc, giữa các địa phương, giữa các tôn giáo, giữa người dân và chính quyền. Quan trọng nhất là hòa giải những hận thù do cuộc chiến và các chính sách phân biệt đối xử mà chế độ cộng sản để lại. Hòa giải để tiến tới hòa hợp trong cố gắng xây dựng một tương lai Việt Nam chung. Một tương lai mà mọi người đều có thể chấp nhận và chung sống hòa bình với nhau.

4. Phát triển đất nước đặt nền tảng trên kinh tế thị trường, lấy ý kiến và sáng kiến cá nhân làm động cơ và lấy lợi nhuận làm chất kích thích. Ổn định chính trị là có một hiến pháp dân chủ và ổn vững, luật pháp không thay đổi đột ngột và tùy tiện. Sinh hoạt kinh tế thị trường phải đặt nền tảng trên các xí nghiệp tư nhân, nhà nước không có chức năng kinh doanh.

Những Định hướng lớn cho một nước Việt Nam mới:

1. Xây dựng đất nước trên những giá trị tiến bộ thay vì trên một chủ nghĩa. Những giá trị tiến bộ đó là hòa bình, tự do, dân chủ, bình đẳng, nhân quyền, nhà nước pháp trị, đối thoại, hợp tác, lợi nhuận, liên đới và môi trường.

2. Lấy tự do làm động lực để phát huy óc sáng tạo và tinh thần cầu tiến. Trên đất nước Việt Nam sẽ không thể có ý kiến nào cấm nêu ra và cũng không thể có đề tài nào cấm bàn đến.

3. Phát huy lòng yêu nước tự nguyện. Lòng yêu nước là sức mạnh để chinh phục tương lai của dân tộc với điều kiện là phải tự nhiên và tự nguyện. Trách nhiệm chính của nhà nước là làm cho đất nước ngày càng cần thiết, đáng yêu và đáng tự hào.

4. Tôn trọng và phát huy xã hội dân sự. Xã hội dân sự là toàn bộ những kết hợp của người dân và được coi là nền tảng của đất nước. Nhà nước tự coi là có vai trò tạo điều kiện để xã hội dân sự tạo phúc lợi cho đất nước chứ không định đoạt và làm thay cho xã hội dân sự.

5. Xác định Việt Nam là đất nước của các cộng đồng. Đất nước Việt Nam không phải là của riêng sắc tộc Kinh. Cộng đồng người Việt hải ngoại phải được coi là thành phần khăng khít của đất nước. Mọi người Việt Nam sinh sống tại hải ngoại phải được coi là những công dân với đầy đủ quyền lợi và nhiệm vụ.

6. Chọn lựa dứt khoát kinh tế thị trường. Những gì tư nhân có thể làm nhà nước sẽ không làm.

7. Không ngừng cảnh giác bảo vệ công bằng xã hội. Bảo vệ những người yếu kém, bảo đảm cơ may thăng tiến đồng đều cho mọi người, trước hết là qua giáo dục đào tạo và chăm sóc y tế.

8. Tiến tới một nền kinh tế công nghiệp và dịch vụ. Một quan tâm đặc biệt sẽ được dành cho ba ngành : tin học, du lịch và hàng hải. Sẽ không còn việc thiết lập những khu kinh tế đặc biệt mà chủ trương dành tất cả mọi dễ dãi cho kinh doanh trên toàn lãnh thổ.

9. Theo đuổi một chủ nghĩa nước nhỏ. Khiêm tốn và hòa hoãn với mọi quốc gia, nhẫn nhục hôm nay để giàu mạnh ngày mai.

10. Thực hiện một chính sách đối ngoại hòa bình và một chính sách láng giềng tốt. Tìm mọi cơ hội để thắt chặt quan hệ hợp tác với các nước đã phát triển mạnh, đặc biệt là Hoa Kỳ. Phát huy mọi sáng kiến để hóa giải những vấn đề còn tồn đọng với Lào, Campuchia và Trung Quốc, đi đến quan hệ láng giềng tốt.

11.Ngăn chặn đà gia tăng dân số, chủ yếu qua cố gắng thăng tiến phụ nữ và bảo trợ người già…

Thời cơ đang đến gần, thời gian chuẩn bị không còn nhiều, chúng ta đừng bỏ lỡ cơ hội một lần nữa.

Việt Hoàng
Nguồn: http://ethongluan.org/index.php?option=com_content&view=article&id=9493:v-n-d-ng-tri-th-c-d-hay-kho-vi-t-hoang&catid=44&Itemid=301
Ngày đăng 07/07/2014

Đăng nhận xét