Thứ Tư, 24 tháng 9, 2014

Phá sản ngân hàng sẽ bất khả thi?

Posted By Unknown on Thứ Tư, 24 tháng 9, 2014 | 01:55

Bất khả thi!

Trong bối cảnh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa hé ra chủ trương cho “phá sản ngân hàng”, lại xuất hiện luồng thông tin từ giới chuyên gia cho rằng khác với trước kia, việc giải thể hay cho phá sản ngân hàng hiện thời là điều khó tiến hành, nếu không muốn nói là bất khả thi. Vì sao? Vì các ngân hàng được phép huy động một lượng tiền quá lớn, tối đa có thể gấp 20 lần vốn điều lệ. Số tiền ấy, trong một số trường hợp, lại được cung ứng quá nhiều cho các công ty sân sau của các ông chủ ngân hàng. Nếu giải thể, người mất tiền không phải là các ông chủ mà chính là người gửi tiền.

Nếu bây giờ tiến hành giải thể hay phá sản ngân hàng yếu kém, các ông chủ là những người hưởng lợi hơn cả. Mà chính xác là ngân sách nhà nước chịu, tiền đóng thuế của dân gánh vì NHNN tái cấp vốn cho những ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt để trả cho người gửi tiền.

Các ông chủ góp vào ngân hàng, bằng cả tiền ảo và tiền thật, thí dụ 1.000 tỉ đồng, nhưng họ lại vay (rút ruột ngân hàng) cho các công ty con của họ tới 3.000-4.000 tỉ đồng, có khi tới cả chục ngàn tỉ đồng. Khi ngân hàng tuyên bố phá sản, cổ đông mất vốn, các ông chủ mất tiền, song số tiền mất nhỏ hơn nhiều số tiền mà họ đã rút ruột được.

Các cuộc tái cơ cấu, đổi chủ tổ chức tín dụng hiện nay nhằm chủ yếu vào việc làm thế nào thu hồi vốn mà các cổ đông lớn đã vay của ngân hàng. Tiền vay đã được ném phần lớn vào bất động sản, thứ tài sản đang không thể nào cắt lỗ được!

Rất đáng chú ý, luồng ý kiến phản biện trên thuộc về những người ăn dầm nằm dề với ngân hàng, và chắc chắn “thực tiễn” hơn rất nhiều so với giới quan chức ngân hàng nhà nước và chính phủ.

Tất cả dính chùm

Tháng 6/2014, cơ quan kiểm toán nhà nước “bất ngờ” công bố hàng loạt số liệu cực kỳ bất ổn về tình trạng tài chính của Agribank.

Chỉ ít ngày sau, đến lượt số ngân hàng được xem là xương sống của đế chế tín dụng Việt Nam lộ hình báo cáo tài chính quý 2/2014. Có đến 8 ngân hàng rơi vào cơn mơ nợ xấu tăng chóng mặt: Vietinbank, Vietcombank, ACB, MB, Sacombank, Eximbank, BIDV và SHB, với tổng nợ xấu tăng gần 13.400 tỷ đồng trong 6 tháng.

Những ngân hàng trên lại đều nằm trong top 12 tổ chức tín dụng được coi là “điểm sáng” mà giới quan chức Ngân hàng nhà nước thường tự hào trong các báo cáo thành tích luôn tô vẽ giáo điều và phủ mị.

Đến trung tuần tháng 8/2014, có thể một cái tên mới đã hình thành: “G 1+8”, gồm quán quân Agribank và 8 ngân hàng khác mà nợ xấu bủa vây sẽ khiến các “thành viên” quá khó để ứng cứu lẫn nhau.

Bi kịch đang lộ diện ở chỗ không chỉ một Agribank, mà hầu hết các ngân hàng lớn nhất Việt Nam đều nằm trong tình thế nợ xấu quá tải và còn có thể chẳng có điểm dừng, nếu tình trạng thu hồi nợ từ các doanh nghiệp, trong đó có đến 70% hoặc hơn là nợ cho vay bất động sản, vẫn gần như vô phương hiện thời.

Một triệu chứng khác mà có thể dẫn đến cơn sang chấn bất thường là riêng tại TP. Hồ Chí Minh: nợ có khả năng mất vốn cũng đang là mối lo của các ngân hàng khi chiếm tới 70,5% trong tổng nợ xấu của các nhà băng trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm 2014.

Và như dân gian truyền tụng, khi ngân hàng phải kêu thét lên thì đó chính là thời điểm mà hiệu ứng Minsky - các món cho vay đến hạn không thể thanh toán được - có thể ập tới bất kỳ lúc nào.

Nếu không thể phá sản?

Năm 2012, Thống đốc Nguyễn Văn Bình còn cam kết “sẽ không để ngân hàng nào phá sản”. Nhưng ông Bùi Kiến Thành - một chuyên gia ngân hàng có thực tâm, còn nói thẳng là Ngân hàng nhà nước đã vô tâm đến mức “chẳng làm gì cả” đối với sự nghiệp “tái cấu trúc ngành ngân hàng”. Tức sau làn sóng sáp nhập một số ngân hàng “ngon ăn” vào năm 2012, cho tới nay vẫn còn nguyên trạng nhóm ngân hàng yếu kém mà không một ngân hàng “cá mập” nào thèm ngó ngàng.

Nếu vào đầu năm nay, Quốc hội Việt Nam đã phải dành đến một chương chuyên biệt trong Luật phá sản cho “giải thể tổ chức tín dụng”, chắc hẳn giới lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã “lờ mờ” nhận ra thực chất Ngân hàng nhà nước “chẳng làm gì cả”, hoặc có làm gì chăng nữa thì cũng chẳng còn tác dụng nào trước một hậu quả quá ghê gớm đến giờ mà cơ quan điều hành tín dụng tối cao này đã góp một phần không nhỏ gây ra.

Nhưng chẳng lẽ Ngân hàng nhà nước không làm gì?

Trước đây, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) đã phải “gánh” Ngân hàng TMCP Nam Đô. Còn mới đây Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) phải “ứng cứu” Ngân hàng TMCP Xây dựng dưới hình thức ký kết hợp tác toàn diện giữa hai bên. “Môi giới” cho các cuộc “tảo hôn” đó, tất nhiên, là NHNN. Và chỉ mới đây, người ta biết rằng có đến 3 quan chức cao cấp của Ngân hàng Xây dựng bị bắt khẩn cấp.

Nếu không thể cho phá sản ngân hàng, chỉ còn “nội lực” gần như duy nhất là in tiền. Thậm chí in thật nhiều, bất chấp lạm phát và mặt bằng giá tiêu dùng tăng vọt làm khốn khó đời sống dân tình…

Viết Lê Quân
Nguồn: http://www.ijavn.org/2014/09/pha-san-ngan-hang-se-bat-kha-thi.html
Ngày đăng 24/09/2014

Đăng nhận xét