Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014

Lựa chọn: Cường quốc hay yếu hèn? (phần 1)

Posted By Unknown on Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014 | 00:19

1-Tự do.

Nhìn vào bề nổi lịch sử thế giới từ sau thế chiến thứ hai đến nay ta thấy một điều là những nước chống Mỹ thường chuốc thất bại, nước nào thuận chiều Mỹ thì thường khá thịnh vượng và thành công.

Trong sự thành công của Tây Âu, Nhật, Israel, Nam Hàn, Đài Loan, Mã lai, Singapour, Thái Lan ...đều thấy có bàn tay của Mỹ. Trung Quốc mới lên đà tăng trưởng chỉ sau khi Mao Trạch Đông gặp Nixon và Đặng Tiểu Bình qua Mỹ về mới hung hăng tuyên bố : “Dạy cho Việt Nam một bài học”.

Khối các nước Warsaw sụp đổ, Iran, Iraq thì điêu tàn, kiệt quệ. Cuba, Bắc Hàn ngập trong đói nghèo. Venezuela- nước có trữ lượng dầu mỏ đứng thứ hai thế giới cũng không là ngoại lệ. Vậy chống Mỹ là thua chỉ là hiện tượng hay là bản chất thật của vấn đề? Nếu là bản chất thì đó phải là vấn đề có tính qui luật.

Chẳng lẽ cứ được Mỹ ủng hộ là thành phú cường, thịnh vượng, chống Mỹ sẽ gánh thất bại.

Việt Nam? Việt Nam đến hôm nay là nước thắng chiến tranh (thời điểm, chiến thuật) mà thua trong hòa bình (đường dài, chiến lược). Cả giai đoạn dài dù được phe XHCN dốc lòng viện trợ Việt Nam vẫn nhếch nhác đói nghèo, chỉ từ khi Mỹ bỏ cấm vận nước ta mới tháo gỡ được nhiều ách tắc.

Vậy Mỹ là gì mà “thiêng” thế? Khởi thủy là một bộ phận dân Á châu, không chịu ở yên châu Á, vượt biển Bering sang châu Mỹ được gọi là thổ dân da đỏ. Sau này là mấy tay Anh, Pháp, Đức, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha …Từ gốc đến ngọn rặt một dân tứ chiếng có gì đó không thỏa lòng nơi cố hương mà vượt đại dương Tây tiến lập nên dân tộc Mỹ, giờ đang là đầu kéo của văn minh. Vấn đề mấu chốt ở đây là một phương thức sản xuất tiến bộ nhất của nhân loại trong khoảng hai thế kỷ qua mang một cái tên mới ngắn gọn: Mỹ. Chân lý thuộc về kẻ mạnh. Kẻ mạnh chính đáng này là đại diện cho sức mạnh sản xuất trí tuệ xét về hạ tầng cơ sở và điều tất yếu chế ngự ở bên trên đó nơi thượng tầng kiến trúc là quyền tự do cá nhân thiêng liêng.

Thực ra theo Mỹ và thành công đó chỉ là vế thứ nhất, là nhìn theo góc hiện tượng của vấn đề. Vế thứ hai là những nước chịu ảnh hưởng Mỹ, phát triển tốt trong những năm vừa qua do hội đủ bản lĩnh kịp tiếp thu sàng lọc được nhiều những cái hay của phương thức sản xuất Mỹ, mô hình Mỹ mà nâng cao được nội lực của chính mình. Đó mới là điều quyết định. Là bản chất của vấn đề. Vì không phải cứ Mỹ thì cái gì cũng tốt cả. Dưới vòm trời này, suy cho cùng, có cái gì do con người làm ra mà thật là hoàn bích đâu.

Tự do là nhu cầu phát triển rất Mỹ. Khởi thủy là lớp tinh hoa của di dân không thể tiếp tục chịu sự đè đầu cưỡi cổ của vương triều Anh quyết đòi độc lập đã sinh ra những đại diện vĩ đại như Washington và Jefferson... Tiếp sau đó là các vùng công nghiệp phía Bắc cần những người tự do để làm đời công nhân lấp đầy chỗ cho các nhà máy đang mọc ra như nấm và những điền chủ phía Nam cần nô lệ để đảm bảo canh tác nông nghiệp đã thành nguyên nhân sâu xa của cuộc nội chiến Nam Bắc Mỹ kết thúc bằng chiến thắng của người giương cao lá cờ đòi tự do - Abraham Lincoln. Cùng với đà công nghiệp hóa, dây chuyền hóa, tự động hóa, khi chất xám là hồng cầu của nền kinh tế tri thức thì nước Mỹ càng ngày càng cần tự do. Trí tuệ cần tự do để phát triển như động vật sống cần ôxy vậy. Vì chỉ có tự do và sự đảm bảo quyền tự do cá nhân thì sự sáng tạo mới mong đạt đến ngưỡng tối đa và liên tục thu hút chất xám đổ về quê hương mới này của tự do. Phát huy tối đa năng lực sáng tạo cá nhân, không đặt biên giới trong mọi lĩnh vực then chốt từ đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, học thuật... là điều sống còn cho xã hội Mỹ. Người Bắc Mỹ chỉ háo hức được nghe, được thấy sự khác biệt. Tự do sẽ sinh ra thật nhiều sự khác biệt. Chính tồn tại nhiều sự khác biệt mới là sống thật, mới tạo ra sức mạnh. Càng nhiều khác biệt càng gia cố sức sống mãnh liệt cho xứ sở này.Vì tự do, vì sự khác biệt mà lại càng cần gia cố luật pháp để tự do của mỗi người không xâm hại đến tự do của mọi người.

Chỉ bậc thánh nhân thì mới có thể đạt khoái cảm tự do dẫu chỉ với tay không. Còn quảng đại con người khi không thể tiếp cận với phương tiện sống thiết yếu rất dễ ngã vào kiếp nô lệ. Không tiền dễ thành nô lệ cho kẻ ban phát sự mưu sinh, yếu thế dễ thành nô lệ cho kẻ mạnh... Vì vậy để có cơ sở pháp lý chắc chắn cho sự phát triển của mỗi cá nhân được tự do nước Mỹ phải bảo vệ tối đa quyền tư hữu. Chỉ khi có ít nhiều tài sản và trí tuệ con người mới thấy dễ dàng hơn trên con đường mưu cầu và phát triển tự do cá nhân. Từ tư hữu đất đai đến bản quyền sở hữu trí tuệ. Những viên gạch luật pháp lát con đường tự do cho mỗi người và mọi người cũng chỉ có bấy nhiêu thôi mà mỗi dân tộc lại đi theo những cung bậc thời gian khá khác nhau hoặc ngắn hoặc dài. Trừ giai đoạn đầu của nền cộng sản nguyên thủy còn ở toàn bộ các nền kinh tế tiền tư bản thì quyền tư hữu đất đai là điều khiến quảng đại loài người thao thức ngày quên ăn đêm quên ngủ. Ở nền kinh tế tri thức thì bản quyền sở hữu trí tuệ mới là vấn đề sống còn.

Vì vậy ở những nền công nghiệp phát triển không có hạn chế nhu cầu mua bán đất, bất kể số lượng hay quốc tịch người mua. Thậm chí các ngân hàng lớn thường không cho vay tiền mua đất. Ở đó đất cát từ lâu đã mất vai trò là phương tiện sản xuất chủ yếu. Chất xám đã thay thế đất cát thành cái người ta săn lùng nhất vì là tài sản lớn nhất. Cứ xem nhà đất Mỹ thì rớt giá mà các CEO vẫn được trả bộn thế nào ngay cả trong những năm kinh tế đại nguy ngập vừa qua.

Việt Nam cả hơn nửa thế kỷ nay chỉ loay hoay với vấn đề đất đai khi các nước văn minh đã dẹp chuyện đất cát ra khỏi bàn nghị sự từ lâu.

Lịch sử của đất cũng là lịch sử của sự tản quyền hóa. Đất từng chỉ có một người chủ: chỉ của vua, hoàng đế; sang tay nhiều người chủ: các lãnh chúa, địa chủ; và tiếp tục được sang tay nhiều người hơn nữa như hôm nay khi nhân loại tiến đến bước là hầu như ai có tiền cũng có thể mua và làm chủ đất. Lịch sử của quyền sở hữu đất gắn liền với lịch sử của sự phát triển quyền con người và tỷ lệ thuận với sự phát triển của tự do!

Không lẽ gì một đảng chính trị mạnh như ĐCSVN với từng ấy năm nắm quyền không thấu hiểu sự khát đất của dân chúng. Không trả đất về với dân thì người nông dân còn phải đứng lên chống chính quyền và quan chức còn nhiều cơ hội đục nước béo cò. Làm vậy ĐCSVN đã đánh đổi một đồng minh chiến lược lâu đời vào thế cùng quẫn phản kháng và lập nên một đồng minh thủ đoạn nhất thời là một bộ phận không nhỏ giới công chức lưu manh hóa. Cứ xây dựng đồng minh kiểu này khi mà đến cục trưởng hàng hải Dương Chí Dũng còn phải bỏ chạy thì thấy con đường phải tháo thân ra nước ngoài của những chức sắc dù là cao cấp nhất cũng không còn quá xa.

2-Siêu cường và tiểu quốc

Liệu thế giới sẽ ra sao khi chỉ gồm có các nước lớn? Nếu chỉ có Nga, Mỹ, Trung Quốc, Đức, Ấn Độ thì nền chính trị thế giới này chắc là cực kỳ tẻ nhạt, xung khắc và đụng độ. Các nước nhỏ là vùng đệm, là sự thăng bằng, đa dạng, và nhiều khi còn thành điểm tựa cho các nước lớn, là điểm sáng trên bàn cờ quốc tế. Nhân loại đã đến giai đọan văn minh là các nước đều có quyền chung hưởng thế giới và các nước nhỏ không cần thiết phải nhất nhất quỵ lụy nước lớn.

Một nước nhỏ yếu lạc hậu như Afghanistan mà cả Liên Xô cũng như Mỹ không nước nào ôm được chiến thắng ra về.

Khi từ chối gửi quân sang Iraq thủ tướng Canada Jean Chretien tuyên bố đại ý: “75% hàng hóa xuất khẩu của Canada là sang Mỹ, Mỹ mua không phải là do Mỹ tốt mà do Mỹ cần hàng hóa tốt của chúng ta. Canada không gửi quân sang Iraq nếu không có nghị quyết của Liên hợp quốc”.

Rõ ràng là ở nhiều phần của địa cầu người ta đang la ó Mỹ với nhiều lý do khác nhau. Tuy vậy thử nghĩ cho công bằng xem nếu cả thế giới này trong mấy thập kỷ qua chỉ được “soi sáng” bởi chủ nghĩa cộng sản của Liên bang Xô Viết hay chủ nghĩa đại hán trá hình của Mao thì ngày hôm nay nhân loại đang nằm trong cái vực nào?

Thử nghĩ sao có những dân tộc nhỏ như dân tộc Czech không có biển, lọt thỏm giữa châu Âu luôn xô đi dịch lại cả ngàn năm nay, cạnh những nền văn hóa vĩ đại như Anh, Pháp, Ý, Đức, Nga mà vẫn không bị đồng hóa, có ngôn ngữ và văn hóa riêng phát triển rực rỡ. Trở thành nước công nghiệp từ trước thế chiến.

Có dân tộc như dân tộc Sikh chỉ khoảng 20 triệu trên một đất nước hơn 1.2 tỷ dân mà có tới 20% sĩ quan quân đội cao cấp Ấn Độ là từ sắc dân này. Thủ tướng Ấn hiện nay cũng người Sikh.

Những yếu tố nào để một quốc gia tiến lên vai trò siêu cường và thống trị thế giới? Một trong những yếu tố hàng đầu là phải đại diện cho một phương thức sản xuất tiến bộ mới và có sự thu hút nhất định của một hệ tư tưởng mang sức phổ quát. Mỗi đại cường đều cần phải có một bộ cánh tươm tất và hấp dẫn mà khoác lên người. Nước Pháp đã làm nhân loại choáng ngợp bởi tư tưởng khai sáng của Montesquieu, Voltaire và Diderot. Nước Anh trình làng nền quân chủ nghị viện. Liên bang Xô Viết là chủ nghĩa xã hội nơi hướng chuẩn là sẽ làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu, nước Mỹ hút hồn bởi lý tưởng tự do.

Trung Quốc hôm nay còn thiếu một ánh sáng tư tưởng để trở thành siêu cường. Mấy học viện Khổng Tử mở ra đó đây về mặt chính trị chỉ là một sự ăn mày dĩ vãng. Thế giới văn minh hôm nay thật không dễ để bị hấp dẫn. Về kinh tế Trung quốc vẫn đang trên đường thoát nghèo. Về phương thức sản xuất Trung Quốc vẫn đang ở nền văn minh bóc lột tài nguyên thiên nhiên cùng sức lao động rẻ mạt là chính. Trung quốc lại vô trách nhiệm với các vấn đề an sinh xã hội và y tế cộng đồng. Trung Quốc chi phí cho y tế công cộng có hơn 1% ngân sách mà chi phí cho quốc phòng tới hơn 10%. Ngay vấn đề cơ bắp mà chàng đại Hán đang dốc lòng phô diễn cũng chưa hăm dọa được ai. Mới chỉ có dàn trận ở ngay cửa nhà là eo biển Đài Loan, biển Hoa Đông và Biển Đông đã bị la ó quá trời. Có cải cách nhanh chóng và quyết liệt thì Trung Quốc cũng chỉ mong tìm sự ổn định và khỏi vỡ vụn ra thôi chứ thời gian còn dài lắm để đến ngày Trung Quốc giành chức làm bố thiên hạ. Việt và Trung cần làm hàng xóm tốt của nhau. Nhưng muốn Trung Quốc đối xử dễ thở thì Việt Nam ít nhất cần phải vượt Trung Quốc một số điểm. Cần nhìn lại lịch sử triều Lý của cha ông ta và nhận thức rõ hơn bản lĩnh của Nhật, Đài Loan, Nam Hàm, Singapore thì có cách vượt Trung Quốc.

(còn tiếp)
Nguyễn Khắc Trung
Nguồn: https://www.facebook.com/vietnamtimes01
Ngày đăng 13/07/2014

Đăng nhận xét