Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014

Lựa chọn: Cường quốc hay yếu hèn? (phần 2)

Posted By Unknown on Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014 | 03:08

3-Quyền sống.
Cùng lên cỗ xe trực chỉ hướng giải phóng con người mà sao Phật giáo và Thiên chúa giáo vẫn tồn tại cả mấy ngàn năm nay còn chủ nghĩa Marx thì chết yểu? Có muôn vàn lý do nhưng có thể thấy ngay một điều là mấy tôn giáo lớn về mặt lý tưởng lấy sự cứu rỗi toàn bộ kiếp người làm mục tiêu (chứ không phải chỉ ưu ái một giai cấp, và tiêu diệt giai cấp khác) và thiết tha kêu gọi đức tin, sự cảm hóa, tình yêu... (chứ không phải là điểm hẹn của bạo lực chuyên chính).

Xét tiếp đối tượng phục vụ của học thuyết. GDP Canada chỉ có 13% là do công nghiệp mang lại. Học thuyết được Marx đề ra đã bị sức sản xuất vũ bão của nhân loại nhanh chóng biến thành cái để dành cho số ít thì sao thu hút được quảng đại vì không mang tính đại diện cho toàn xã hội. Giai cấp công nhân ngày càng trở thành thiểu số trong bất kỳ nước công nghiệp hóa nào. Giai cấp trung lưu hiện đại-mà thực sự đó là cách gọi khác của giai cấp trí thức- đang là nền tảng của ổn định xã hội và thuế má của các xã hội dân chủ phát triển.

Các khái niệm về vai trò của giai cấp, tài nguyên, tư liệu sản xuất...đều đã thay đổi. Canada có trữ lượng dầu mỏ đứng thứ ba thế giới vậy mà xuất khẩu dầu mỏ chỉ chiếm 2.9% GDP của Canada. Venezuela có trữ lượng dầu cao thứ hai thế giới mà dân đâu có sướng. Chưa kể mấy nước như Libia và Iraq toàn tay tổ về xuất khẩu dầu mà liệu có đồng tiền dầu nào tới được bữa cơm của dân.

Tổng tiền của và tổng hạnh phúc dường như không nhất thiết đồng nhất. Nhưng sở hữu đói nghèo và lạc hậu thì dù có chính quyền trong sạch đến mấy cũng không thể nào làm dân chúng thấy hạnh phúc.

Chính phủ giỏi phải luôn tìm ra đồng nhất trong dị biệt. Phải biết thích ứng với một tương lai mở. Biết thúc đẩy song hành khao khát thành đạt của mỗi cá nhân và công bằng xã hội. Biết đối phó không mệt mỏi với các thách thức triền miên. Luôn thể hiện tình yêu dân chúng và chân lý cùng chống trả quyết liệt sự ngu dốt vô bờ bến của các tư duy làm chính sách hạn chế QUYỀN TỰ DO CỦA CON NGƯỜI.

4- Mở
Thực tế quá trình tiến hóa chứng minh rằng cái gì có biên độ mở rộng nhất là dễ phát triển nhất.

Có thể nói một trong những yếu tố giúp nước Mỹ thành công là khi phải chọn ngôn ngữ quốc gia người Mỹ đã chọn tiếng Anh (ngôn ngữ của chính kẻ thù nước Mỹ lúc đó) chứ không phải tiếng Đức hay tiếng nào khác. Anh ngữ phát triển nhanh chóng là ngôn ngữ thống lĩnh mọi mặt hôm nay vì nó vô cùng mở.

Trong các ngôn ngữ của nhân loại hôm nay tiếng Anh là ngôn ngữ có nhiều từ vựng nhất. Khoảng 172, 000 từ sống và rất nhiều từ là du nhập. Trong khi các ngôn ngữ khác chỉ có khoảng dưới 100,000 từ. Cuối năm vừa qua tôi có xin dự giờ một tiết ngữ pháp tiếng Việt ở Hà Nội và thật não lòng khi nghe cô giáo dậy theo giáo trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo giải thích rất kỹ cho các cháu lớp sáu rằng từ này từ nọ trong tiếng Việt là từ Hán Việt. Tiếng Anh cứ qua tay họ là của họ, họ hồ hởi đón nhận từ vựng từ đủ các ngôn ngữ khác, nhanh chóng và thanh thản coi đó là của mình. Không phân biệt đối xử hay bới tìm gốc gác. Chỉ ở những nơi nghiên cứu sâu ngôn ngữ người ta mới phân ra từ này từ nguồn nào, du nhập vào tiếng Anh năm nào.

Chắc với rất nhiều người, quốc tịch còn là vấn đề thiêng liêng. Vậy mà ở Canada hay Mỹ cứ ở lại hợp pháp từ 3 tới 5 năm (tùy nước) là vào quốc tịch, và có quyền đa quốc tịch. Không sợ mất người, không khắt khe với người nên được người. Thật cởi mở!

Nhận thức chính trị thay đổi cũng không kém phần vũ bão. Khởi điểm là thân phận nô lệ. Từ ngày Martin Luther King bị sát hại (1968) đến ngày nước Mỹ hân hoan chào đón vợ chồng tổng thống da đen đầu tiên của mình (2008) chỉ sau có 40 năm. Cũng mở nốt!

5-Can thiệp
Trong những xã hội phát triển chính phủ không can thiệp vào chuyện sản xuất hay đường hướng kinh doanh, chỉ tạo dựng một thị trường đầy sức sống và cơ hội cạnh tranh bình đẳng cùng can thiệp kỹ lưỡng phần phân phối thặng dư thông qua thuế. Khi Việt Nam lấy kinh tế quốc doanh làm chủ đạo thì xã hội điêu tàn. Lập các tổng công ty lại chiều như con cưng nên phá sản và thất thoát triền miên. Nay thấy bất ổn quá lại xiết chặt quản lý vốn chủ sở hữu. Vẫn con đường vòng của sự can thiệp! Từ Adam Smith nhìn ra sự điều tiết hữu hảo của “bàn tay vô hình” đến lý luận quản lý kinh tế nhà nước tập trung mà đỉnh cao là các ủy ban kế hoạch nhà nước XHCN. Giữa hai cực đó thì kinh tế tự do sẽ gặp khủng hoảng điều chỉnh nhưng giai đọan sau bao giờ cũng thăng hoa hơn giai đoạn trước, còn các ủy ban kế hoạch nhà nước XHCN thì đã yên nghỉ dưới mồ từ lâu.

Các chính phủ dân chủ cũng không có quyền can thiệp vào chuyện tư tưởng chính trị và đảng phái, sự chọn lựa và chuẩn mực là của mỗi cá nhân. Nhưng họ lại can thiệp sâu sắc vào quan hệ từng gia đình, quyền của từng phụ nữ, quyền từng trẻ em, quyền từng người lao động, và giám sát kỹ lưỡng quyền làm cha làm mẹ. Lỏng cái vĩ mô mà chặt cái vi mô.

Hiện Việt Nam ở trong một tình thế ngược là chính trị gia không thấy gần quần chúng còn xã hội thì thờ ơ và sợ chuyện chính trị. Sợ chính trị vì thấy không thay đổi được gì. Không quan tâm chuyện chính trị làm gì vì không có khả năng tháo gỡ.

CHÍNH TRỊ LÀ CÁI VUNG MÀ TẤT CẢ CÁC HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI LÀ CHUYỆN TRONG CÁI NỒI.

Nền chính trị nói chung sẽ thiếu sinh khí khi thiếu vắng sự đóng góp của toàn dân. Phải biến nền chính trị thành lực đẩy chứ không thể đi đến chỗ là phản lực, là cái phanh (thắng) của sự phát triển.

Thật hay là tình thế đã đến lúc luật cần cho cả người cầm quyền và người đang bị đè đầu cưỡi cổ. Ông Thủ tướng đã phải tự nói ra trước Quốc hội là cần luật biểu tình đủ thấy chính quyền đã dần thấy vai trò của Luật như một công cụ can thiệp hữu hiệu. Để có thể thu giữ quyền lợi một cách an toàn và khôn ngoan cũng như để các bức xúc xã hội không nổ tung thì cả hai phía đều có nhu cầu củng cố luật và được xài luật như một phương tiện lấy thăng bằng, một cứu cánh an toàn.

6-Tốc độ
Đất nước ta hiện là đất nước của các nan đề, nhưng không phải là không có lời giải. Việt Nam có cam chịu là một quốc gia yếu ớt hay sẽ tiến đến vai trò cường quốc khu vực?

Lộ trình công nghiệp hóa của một quốc gia từ vài trăm năm nay đã có nhiều nước rút xuống chỉ còn vài chục năm. Làm sao Việt Nam có thể là một trong những nước ấy? Không thể cứ loanh quanh mang dân và nước ra làm thực nghiệm cho một chủ thuyết đã phá sản. Việt Nam phải khẩn trương xây dựng một thể chế đa trí tuệ, đa cách nghĩ, đa văn hóa, đa cách làm nhằm chuyển biến xã hội Việt Nam thành xã hội của các công dân sáng tạo, có đủ tự do để làm chủ đời mình và thực dám nghĩ, dám làm đóng góp vào sự thịnh vượng chung của đất nước. Mục tiêu của mọi cải tổ Hiến pháp, cùng xây dựng chỉnh sửa các luật là phải thiết lập ra một cơ cấu có biên độ mở rộng nhất, ít sự can thiệp thô bạo nhất, đa năng nhất bao gồm cả khả năng tự điều chỉnh.

Để kết thúc, gửi tới quí vị khoác áo cộng sản, với tất cả các bạn đọc khác câu nói sau của nhà triết học Đức Gotthold Ephraim Lessing (thế kỷ XVIII): “Nếu Đấng toàn năng giữ Chân lý trong bàn tay phải và Xét lại chân lý trong bàn tay trái, hạ cố hỏi ý tôi thích chọn cái nào, tôi sẽ hết sức khiêm tốn nhưng không chút ngần ngại thưa rằng tôi chọn Xét lại chân lý”.

Nguyễn Khắc Trung  (tiếp theo và hết)
Nguồn: https://www.facebook.com/vietnamtimes01
Ngày đăng 13/07/2014

Đăng nhận xét