Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

Một cách nhìn tham nhũng và chống tham nhũng

Posted By Unknown on Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014 | 18:05

(Nguyễn Gia Kiểng -ethongluan) Có một cái gì không ổn trong những bài viết về tham nhũng. Các bài này đều giống nhau ở chỗ chúng đều gồm hai phần: phần đầu trình bày và tố giác tham nhũng; phần sau đề nghị những biện pháp để chống tham nhũng. Phần đầu thường rất đặc sắc, nhất là nếu lại phơi bày những trường hợp tham nhũng cụ thể. Phần thứ hai thường tẻ nhạt vì không có gì đặc sắc.

Nói chung những biện pháp chống tham nhũng được lặp lại nhiều lần là phải dân chủ hóa, phải tăng cường các đạo luật và các định chế chống tham nhũng, phải tăng lương cho công chức để họ đủ sống và không bị bắt buộc phải tham nhũng. Dân chủ hóa là đề nghị đúng nhưng chưa được biện luận một cách thuyết phục, hai biện pháp còn lại thì phải nói thẳng là hời hợt.

Các định chế chống tham nhũng hiện nay đã có nhiều lắm rồi, nhưng chính các quan chức có nhiệm vụ chống tham nhũng trong nhiều trường hợp lại tham nhũng. Luật pháp chống tham nhũng hiện nay đã quá khắt khe rồi, nhận hối lộ 30.000 USD có thể bị xử tử. Khó tìm ra nước nào có luật pháp chống tham nhũng dữ dằn hơn Việt Nam, nhưng tham nhũng vẫn tăng lên chứ không giảm đi. Ở một mặt khác, luật lệ chống tham nhũng quá khe khắt còn có thể đem lại cho kẻ tham nhũng một cảm giác hãnh diện là đã dám dũng cảm bất chấp hiểm nghèo ; luật pháp hung bạo nhất không phải là luật pháp hiệu lực nhất. Tăng lương công chức là điều nên làm trong giới hạn khả năng của nhà nước, nhưng để chống tham nhũng nó chỉ có tác dụng của một thứ thuốc xoa bóp ngoài da, không chữa được căn bệnh. Những người tham nhũng nhất và gây thiệt hại nhiều nhất không phải là những công chức nghèo, trái lại họ là những người quyền thế, hoàn toàn không thiếu bất cứ gì, họ có thể bỏ hàng triệu đô la Mỹ để cá độ một trận bóng đá, họ là những người mà ông Mai Chí Thọ mô tả là "ăn kinh khủng, giàu kinh khủng".

Như vậy cần xét lại cách nhìn và những lý luận của chúng ta về tham nhũng.

Trước hết phải hiểu tham nhũng là gì ? Trong giới hạn của một cuộc thảo luận về hiện tượng tham nhũng trong guồng máy nhà nước, ta có thể định nghĩa tham nhũng là một vi phạm đạo đức bằng cách sử dụng công quyền cho lợi ích cá nhân.

Ðịnh nghĩa này quan trọng. Nó chứa đựng nhiều khái niệm cần được hiểu rõ nếu muốn có một cái nhìn đúng đắn về tham nhũng và về cách chống tham nhũng.

Trước hết là khái niệm đạo đức. Không ai, kể cả những đầu sỏ tham nhũng phủ nhận rằng tham nhũng là trái với đạo đức. Nhưng đạo đức là gì ? Những khái niệm về đạo đức - như thiện ác, tốt xấu - và những phán quyết về đạo đức - như hạnh phúc đáng quí hơn là khổ đau, sự hiểu biết tốt hơn sự ngu dốt, khoan dung tốt hơn hận thù, phải lương thiện chứ đừng gian trá, phải liêm chính chứ đừng tham nhũng, v.v., không thể định nghĩa và giải thích được. Muốn phân tích và giải thích chúng thì phải mô tả chúng bằng những từ ngữ khác không có tính đạo đức, và như vậy vô tình làm mất đi nội dung đạo đức và tính bó buộc của chúng. Một vài thí dụ :

- Tại sao tôi không được tham nhũng, đưa hối lộ và nhận hối lộ? Phải chăng là vì Chúa và Phật dạy như thế? Nhưng nếu tôi không tin ở Chúa và Phật thì đây không phải là một lý do có trọng lượng. Vả lại, ngay cả nếu tôi tin ở các Ngài thì tôi cũng thừa biết các Ngài rất khoan dung, sẽ tha hết mọi tội lỗi, đồ tể buông dao có thể trở thành bồ tát.

- Phải chăng vì tham nhũng có hại cho xã hội? Nhưng cái gì buộc tôi phải tránh làm những điều có hại cho xã hội? Vì sợ bị luật pháp trừng trị? Nếu anh vừa khờ khạo để bị sa lưới vừa nhút nhát sợ đi tù thì anh đi chỗ khác chơi, còn tôi khôn ngoan và dũng cảm, hơn nữa lại nhiều thế lực, tôi không sợ.

Chúng ta có thể đưa ra nhiều thí dụ khác để chứng tỏ không thể dùng lý luận để chống tham nhũng, bởi vì không có lập luận nào đứng vững được cả. Lý do: mọi lý luận xét cho cùng đều phải bắt đầu bằng những điều hiển nhiên không cần và không thể chứng minh. Lương thiện là tốt, gian trá là xấu, v.v. là những xác quyết không cần và không thể chứng minh; chúng phải được chấp nhận trước như là khởi điểm của mọi lý luận. Các khái niệm và phán quyết về đạo đức là như thế. Chúng sẵn có trong mỗi người (ngay cả kẻ gian ác nhất cũng ưa thích những người thực thà, nhân hậu) như là di sản cơ bản của cả quá trình tiến hóa của loài người, từ vật chất tới sinh vật, tới khỉ và sau cùng là con người văn minh. Chúng cũng là sản phẩm đúc kết của môi trường thiên nhiên và xã hội. Chúng có phần khách quan vì hiện diện trong mỗi người, nếu không thì không thể nói tới giống người, nhưng hiện diện một cách khác nhau một cách rõ rệt và mãnh liệt hay một cách yếu ớt và mờ nhạt ở từng con người. Một hành động xấu, như tham nhũng, là một hành động bị xã hội lên án nhưng cũng là một hành động mà cá nhân ta ghê tởm và không thể làm. Nhận định này không phải là một triết lý mông lung, nó có một hệ quả rất cụ thể: vì tầm quan trọng của yếu tố chủ quan (có cả một trường phái đạo đức học cho rằng các khái niệm đạo đức hoàn toàn chủ quan, điều xấu đối với người này có thể là tốt đối với người khác) cho nên một người bất lương không thể trở thành một người lương thiện, trừ khi có một chấn động rất mạnh đến từ bên ngoài. Ðồ tể buông dao không thể biến thành bồ tát nếu không gặp một biến cố mạnh, khiến anh ta giác ngộ. Kết luận cụ thể cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng là người ta không thể thay đổi những người tham nhũng thành những người không tham nhũng mà chỉ có thể thay thế những người tham nhũng bằng những người không tham nhũng.

Cũng phải lưu ý rằng đạo đức trong trường hợp của cuộc thảo luận về chống tham nhũng chủ yếu là đạo đức quốc gia, chứ không phải là đạo đức cá nhân thông thường. Kẻ viết bài này đã từng có dịp gặp nhiều người tham nhũng trong cả hai chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước đây và cộng sản bây giờ. Trong quan hệ cá nhân, họ có thể là những người khá lương thiện, thủy chung với bạn bè, giữ lời hứa, dạy dỗ con cái một cách thành công. Nhưng họ tham nhũng vì hầu hết mọi người đều tham nhũng và vì họ không quan tâm một cách đủ mạnh đến những thiệt hại cho đất nước. Nền tảng của thái độ từ khước tham nhũng như vậy vẫn là lòng yêu nước.

Ðến đây ta có thể bàn đến sự cần thiết của dân chủ trong cố gắng chống tham nhũng một cách thuyết phục hơn. Chỉ có chính quyền mới thực sự có khả năng chống tham nhũng, nhưng khi một nhóm người đã tự cho phép mình dùng bạo lực để khống chế cả một dân tộc, bất chấp mọi nguyện vọng và mọi lý luận, thì nhóm người đó trên thực tế đã hành xử như một bọn cướp võ trang uy hiếp con tin bằng họng súng. Một đảng cầm quyền như thế không có tư cách để nói đến chống tham nhũng. Kẻ đã cướp cả đất nước có tư cách gì để lên án những tên móc túi. Và khi đất nước đã bị chiếm đoạt làm của riêng cho một nhóm người thì làm sao còn có thể nói đến lòng yêu nước, nền tảng của đạo đức quốc gia?

Cũng phải nói đến một khía cạnh khác của sự ham mê tiền bạc bằng mọi giá và sùng bái tiền bạc trên hết, nguyên nhân chính của tham nhũng. Bản tính của con người, dù ý thức được hay không, là mưu tìm sự vinh quang và một tầm quan trọng nào đó, dù trong chính quyền hay trong khoa học, văn học, nghệ thuật hay trong kinh doanh, để được quí trọng. Nhưng trong một đất nước mà quyền lực chính trị chiếm ngự tất cả, và quyền lực chính trị nằm trong tay một đảng tuyên bố thẳng thừng rằng họ sẽ giữ độc quyền chính trị bằng bạo lực trong một thời gian vô hạn định thì người dân, kể cả cá nhân mỗi người trong bộ máy chính quyền, còn có cách nào để tìm kiếm được một chút vinh quang cho mình? Họ chỉ còn lại một vũ khí là đồng tiền. Ðồng tiền là vũ khí hiệu lực nhất để mua, và lấy lại, một phần quyền lực đã bị tịch thu. Như vậy tham nhũng cũng là hậu quả tự nhiên của chế độ độc tài toàn trị vì nó là phản ứng đề kháng trước bạo quyền chính trị. Muốn chống tham nhũng thì phải trả lại cho xã hội dân sự những quyền lực mà đáng lẽ nó phải có, nghĩa là phải quyền lực hóa (empower) người dân. Nghĩa là phải có dân chủ.

Trở lại với định nghĩa của tham nhũng như là một vi phạm đạo đức bằng cách sử dụng công quyền cho lợi ích cá nhân. Muốn lạm dụng công quyền cho lợi ích cá nhân một cách an toàn thì trước hết phải có thể lạm dụng công quyền, nghĩa là chính quyền phải kềnh càng, bao trùm và có khả năng giải thích và áp dụng luật pháp một cách tùy tiện để cấm cản và khống chế bất cứ ai. Chỉ có một chính quyền độc tài toàn trị mới có khả năng đó. Như vậy để giải quyết nạn tham nhũng thì trước hết phải giảm bớt quyền lực của nhà nước, phải có một chính quyền nhẹ mà trách nhiệm chính là trọng tài trong các tranh đua trong xã hội và chế tài những sai phạm, nhường không gian tối đa cho ý kiến và sáng kiến của xã hội dân sự và các cá nhân. Một chính quyền dân chủ.

Dân chủ là điều kiện cần để chống tham nhũng. Không phải chỉ vì nó cho phép tố giác những sai phạm như nhiều người đã nói rất đúng, mà chủ yếu là vì nó đem lại cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng một ý nghĩa và một sự chính đáng. Ngoài ra nó còn có khả năng giải quyết vấn đề tham nhũng tận gốc rễ bằng cách thay thế một đảng cầm quyền tham nhũng bằng một đảng cầm quyền khác. Ở trên ta đã nói chỉ có thể thay thế chứ không thể thay đổi một chính quyền tham nhũng.

Nhưng dân chủ chỉ là điều kiện cần chứ không đủ để đẩy lùi tham nhũng. Không thiếu gì những quốc gia có dân chủ mà vẫn bị tham nhũng đục khoét một cách nghiêm trọng. Không thể chống tham nhũng một cách lãng mạn. Tham nhũng là một liên minh quyền lực và quyền lợi với rất nhiều phương tiện, với tất cả lòng tham và quyết tâm, và cả dã tâm nếu cần. Muốn chống tham nhũng phải có lực lượng và tổ chức, tổ chức của những người quyết tâm coi cuộc chiến đấu chống tham nhũng như cuộc chiến đấu của đời mình. Nếu không thì không những không chống được tham nhũng mà còn bị tham nhũng chống và hành hạ. Ai thắc mắc điều này xin hỏi hai ông Phạm Quế Dương và Trần Khuê, những phát ngôn viên của Hội Chống Tham Nhũng. Họ chưa kịp chống tham nhũng đã bị tham nhũng bỏ tù.

Vậy muốn chống tham nhũng thì phải có dân chủ và cũng phải có đội ngũ mạnh, nghĩa là phải có một tổ chức dân chủ thật gắn bó với đầy quyết tâm, của những người dân chủ thực sự và trong sạch thực sự, quyết tâm đánh bại độc tài, bạo lực và lòng tham dù phải chịu những hy sinh lớn. Thú thực tôi chưa có lý do để lạc quan. Khả năng sinh hoạt tổ chức của người Việt mình còn thiếu vắng quá, đại đa số vẫn không sẵn sàng gia nhập vào một tổ chức, thiểu số quí hiếm tham gia một tổ chức thì thường thấy nhiều lý do bất mãn hơn là hài lòng, thấy nhiều lý do để rời bỏ tổ chức hơn là lý do để tiếp tục xây dựng tổ chức. Ðây là cả một cuộc chiến đấu, và là cuộc chiến đấu khó khăn nhất, vì là cuộc chiến đấu của mọi người, và mỗi người, với chính mình.

Sau cùng, cũng phải nêu một đặc tính của chế độ Việt Nam hiện nay. Chủ nghĩa cộng sản tự hào là một chủ nghĩa khoa học và thực tiễn, nghĩa là phủ nhận những giá trị đạo đức sẵn có của loài người như là những giá trị tư sản. Mác hãnh diện về điểm này, ông viết rất nhiều nhưng không bao giờ đề cập đến đạo đức. Lênin thì định nghĩa như sau : "đạo đức là những gì có lợi cho đảng cộng sản". Ngày nay chủ nghĩa cộng sản đã sụp đổ, ngay cả trong thâm tâm của những người lãnh đạo đảng cộng sản, nhưng tinh thần vô đạo đức của nó vẫn còn tồn tại, và tác hại. Chưa kể một yếu tố quan trọng khác : một người biết rằng mình đã mất hết uy tín có thể làm bất cứ gì. Và hiện nay còn ai kính trọng các cấp lãnh đạo cộng sản?

Nguyễn Gia Kiểng
Nguồn: http://ethongluan01.blogspot.com
Ngày đăng 17/10/2014 [mot-cach-nhin-tham-nhung-va-chong-tham-nhung]

Đăng nhận xét