Cuộc xuống đường biểu tình của thanh niên Hồng Kông đã kéo dài hơn hai tuần và khí thế đã sút giảm. Những dòng này được viết ra khi cảnh sát Hồng Kông đang giải tỏa những khu vực chiếm đóng. Điều này có thể dự đoán. Những thanh niên biểu tình đã rất kiên trì nhưng kinh nghiệm cho thấy là kiên nhẫn không phải là đặc tính của quần chúng và những cuộc biểu tình nếu không đạt kết quả nhanh chóng sẽ tàn lụi dần vì mệt mỏi. Đó chính là tính toán của chính quyền Lương Chấn Anh khi bãi bỏ cuộc đối thoại đã dự trù với đại diện sinh viên. Tuy vậy họ sẽ rất sai lầm nếu nghĩ rằng mình đã thắng. Ngọn lửa Hồng Kông sẽ còn cháy rất lâu và hơn thế nữa sẽ còn lan tỏa, vào lục địa Trung Quốc và ra nhiều nơi khác.
Trước hết hãy nhìn vào tình trạng đặc biệt của Hồng Kông để thấy rõ những khó khăn của những người dân chủ tại đây và ngưỡng mộ thành quả của họ.
Chính quyền Hồng Kông tin chắc rằng những cuộc biểu tình này không thể lật đổ họ và họ có lý. Họ có lực lượng cảnh sát và hậu thuẫn của cả Bắc Kinh lẫn giới chủ nhân. Thêm vào đó là sự thụ động của một quần chúng không có thói quen quan tâm đến chính trị. Hồng Kông là một nhượng địa của người Anh trước khi được trao trả cho Trung Quốc. Một chế độ thuộc địa chuyển giao cho một chế độ độc tài toàn trị. Nếu có một điều đáng chú ý trong cuộc chuyển giao này thì đó là người Hồng Kông đã hoàn toàn không muốn được "trở về nước mẹ". Trái lại họ còn lo âu, nhiều người đã ra đi. Sự kiện này phản ánh một thay đổi tâm lý của thế giới. Con người ngày nay khao khát tự do trước hết, đối với họ chẳng thà không có tổ quốc còn hơn có một tổ quốc hung bạo. Cùng một tâm lý đó đã khiến hàng triệu thuyền nhân Việt Nam bỏ nước ra đi sau ngày 30-04-1975 bất chấp sóng gió, công an và hải tặc.
Do lịch sử của nó Hồng Kông hầu như không có tinh thần quốc gia, liên đới dân tộc và nhu cầu căn cước, những động cơ cốt lõi của đấu tranh chính trị. Như một siêu thị, Hồng Kông chỉ có những vấn đề kinh tế chứ không có những quan tâm chính trị. Một cách giản dị - và dĩ nhiên không đúng lắm - Hồng Kông cho tới gần đây chủ yếu gồm hai loại người. Loại người thứ nhất là một nhóm rất nhỏ những tài phiệt rất giàu không cần gì cả vì đã có tất cả, quan tâm duy nhất của họ là lợi nhuận và họ ủng hộ Bắc Kinh bởi vì ngày nay trong chế độ cộng sản Trung Quốc "giàu có là vinh quang" (lời Đặng Tiểu Bình) và tiền cho phép có tất cả. Loại người thứ hai là khối người nghèo an phận, chiếm tuyệt đại đa số quần chúng, chỉ có một nguyện ước là được sống yên ổn vì dầu sao mức sống của họ cũng đã hơn hẳn những người Hoa Lục. Không có nơi nào mà chênh lệch giàu nghèo lớn như ở Hồng Kông. Sản lượng bình quân trên mỗi đầu người, khoảng 45.000 USD mỗi năm, cao hơn cả Châu Âu và Nhật, nhưng thu nhập của tuyệt đại đa số người Hồng Kông không được một phần năm (1/5) con số này, theo một thống kê gần đây, 16% không có nổi một phần mười (1/10). Hệ thống an sinh xã hội gần như không đáng kể. Hồng Kông chủ yếu là một trung tâm thương mại và không có những quan tâm chính trị của một dân tộc. Trong một bối cảnh như vậy, có được một ý thức chính trị đã là khó, giữ được ý chí đấu tranh còn khó hơn, động viên quần chúng là chuyện đội đá vá trời. Dù vậy cuộc đấu tranh vì dân chủ của Hồng Kông đã làm rung động thế giới. Người ta chỉ có thể khâm phục và ngưỡng mộ.
Những người dân chủ Hồng Kông là ai?
Họ là một thiểu số chỉ mới xuất hiện gần đây khi thành phố thương cảng này được chuyển giao cho Bắc Kinh và người dân bắt đầu lo sợ rằng chế độ toàn trị sẽ cướp đi của họ ngay cả những quyền con người cơ bản nhất; phần lớn thuộc một giai cấp trung lưu hình thành dần dần với thời gian.Trong các cuộc biểu tình hơn hai tuần qua cũng như trong trong hai cuộc biểu tình lớn trước đây vào năm 2003 - để phản đối một dự luật hạn chế quyền tự do ngôn luận và quyền tự do kết hợp- và ngày 01/07 vừa qua –nhân dịp kỷ niệm 17 năm ngày Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc - người ta có thể nhận xét hai điều: một là những người biểu tình rất trẻ, đại bộ phận trưởng thành sau năm 1997; hai là họ không hề trưng một lá cờ nào, dù là cờ Bắc Kinh hay một cờ nào khác. Họ chỉ bảo vệ những quyền tự do nền tảng đang bị đe dọa. Cuộc đấu tranh của họ thuần túy vì nhân quyền. Nó càng có chính nghĩa, nó vượt mọi biên giới và có sức lây lan sang những nước khác.
Lo âu của họ hoàn toàn chính đáng. Bắc Kinh quả thật đang muốn "giải quyết" vấn đề Hồng Kông. Lý do là vì một mặt Hồng Kông không còn trọng lượng kinh tế như trước nữa - 20% GDP của Trung Quốc năm 1997, 4% năm 2014 - nhưng mặt khác lại ngày càng trở thành một đe dọa cho chế độ cộng sản Bắc Kinh với những cuộc biểu tình, mít tinh, hội thảo về dân chủ và nhân quyền, những buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân của cuộc thảm sát Thiên An Môn.
Khi tiếp thu Hồng Kông, năm 1997, chính quyền Bắc Kinh đã cam kết tôn trọng nguyên tắc "một nước, hai chế độ" và còn hứa hẹn sẽ còn mở rộng hơn nữa những quyền tự do sau hai mươi năm, nhưng trên thực tế đã luôn luôn tìm cách làm ngược lại.
Năm 2002 họ đưa ra một dự luật cấm tiết lộ bí mật quốc gia, cấm các tổ chức nước ngoài hoạt động tại Hồng Kông và cấm các tổ chức Hồng Kông liên hệ với các tổ chức bên ngoài. Dự luật này khá mơ hồ để cho phép buộc tội bất cứ ai và giải tán bất cứ tổ chức nào. Những người dân chủ Hồng Kông đã phản ứng quyết liệt, với cao điểm là cuộc biểu tình ngày 01/07/2003 qui tụ 500.000 người, buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ.
Dự luật về thể thức bầu đặc khu trưởng từ năm 2017, nguyên nhân của những cuộc biểu tình trong hơn hai tuần qua, còn nguy hiểm hơn. Nó dự trù rằng người dân Hồng Kông sẽ chỉ được bầu người đứng đầu chính quyền Hồng Kông trong số vài ứng cử viên của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, theo đúng phương thức "đảng cử dân bầu" tại lục địa. Nói cách khác Đảng CSTQ sẽ trực tiếp cai trị Hồng Kông. Sự phản đối của những người dân chủ Hồng Kông không chỉ chính đáng mà còn bắt buộc. Chính vì thế mà dù thanh niên có thể mệt mỏi, người dân Hồng Kông có thể bị cản trở trong sinh hoạt hàng ngày khiến các cuộc biểu tình và chiếm đóng có thể tạm ngừng nhưng chúng sẽ tái phát. Bởi vì lý do và động cơ của thanh niên Hồng Kông vẫn còn nguyên vẹn. Đó là không để cho Bắc Kinh nuốt cam kết "nhất quốc lưỡng chế" và sáp nhập hẳn Hồng Kông. Đó là bảo vệ những quyền con người cơ bản không thể nhượng bộ vì cần cho mọi con người để có thể sống một cuộc đời xứng đáng. Thanh niên Hồng Kông không chỉ tranh đấu cho họ và thực ra cũng không tranh đấu cho một tương lai Hồng Kông vì không hề có một "căn cước Hồng Kông". Họ đang tranh đấu cho những giá trị phổ cập cần thiết cho mọi con người và mọi dân tộc. Họ là một đội tiền phong của một phong trào dân chủ đang dâng lên. Ngọn lửa Hồng Kông vì thế sẽ tràn vào lục địa Trung Quốc cũng như vào các nước độc tài còn lại tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Cũng nên nhìn rõ lý do tranh đấu của thanh niên Hồng Kông. Thực ra khách quan mà nói Bắc Kinh có lý khi đòi hỏi người cầm đầu Hồng Kông phải được họ chấp nhận, bởi vì Hồng Kông thuộc Trung Quốc. Nhưng người Hồng Kông đã phản đối bởi vì chế độ Bắc Kinh là một chế độ cộng sản, một chế độ chỉ biết có một công thức bầu cử bịp bợm "đảng cử dân bầu". Vấn đề đã không đặt ra nếu Trung Quốc là một nước dân chủ.
Điều quan trọng là cần ý thức rằng thanh niên Hồng Kông đã thắng lợi ngay cả nếu những cuộc biểu tình tạm ngừng dù Bắc Kinh chưa nhượng bộ. Mục đích chính của họ là để báo động với người Hồng Kông và dư luận thế giới về ý đồ của Bắc Kinh, mục đích này đã hoàn toàn đạt được.
Một kết quả cụ thể khác là công thức "một nước, hai chế độ" đã bị lố bích hóa, nó sẽ không còn thuyết phục được bất cứ một người Đài Loan nào. Ý chí độc lập từ nay là đồng thuận quốc gia của Đài Loan. Vấn đề thống nhất với Đài Loan không còn đặt ra nữa. Một tham vọng lớn của Bắc Kinh đã tiêu tan.
Trước mắt, dự luật bầu đặc khu trưởng có mọi triển vọng sẽ bị Hội Đồng Lập Pháp Hồng Kông bác bỏ trong cuộc biểu quyết năm tới bởi vì phe dân chủ có đủ số phiếu để đánh bại dự luật này nếu biết đoàn kết, và những cuộc biểu tình vừa qua đã có tác dụng đoàn kết đối lập dân chủ.
Bắc Kinh sẽ ứng xử ra sao?
Đàn áp đẫm máu như trường hợp Thiên An Môn hai mươi lăm năm trước thì chắc chắn sẽ bị lên án và trừng phạt, và kinh tế sẽ rất khốn đốn vì Trung Quốc rất cần thế giới. Hồng Kông cũng sẽ mất hết giá trị của một trung tâm tài chính và thương mại quốc tế để chỉ còn lại những cao ốc, nhưng Bắc Kinh đã có quá nhiều cao ốc không người ở.
Nhượng bộ bằng cách rút lại dư luật hay chấp nhận để dự luật bị Hội Đồng Lập Pháp Hồng Kông bác bỏ trong năm tới cũng rất khó vì tương đương với chấp nhận một sự ly khai trên thực tế của Hồng Kông.
Ngay trong trường hợp thuận lợi nhất cho Bắc Kinh là dự luật sẽ được thông qua thì từ đây đến đó và sau đó họ sẽ còn tiếp tục gặp một đối lập dân chủ ngày càng mạnh và tích cực có tất cả mọi triển vọng lôi kéo và động viên thanh niên trong lục địa.
Đàng nào Bắc Kinh cũng sẽ rất bối rối. Cái giá phải trả nếu sử dụng bạo lực sẽ quá lớn nhưng cái giá của sự nhượng bộ cũng rất lớn.
Lời kết xin dành cho Việt Nam
Trong một thành phố không có cả tinh thần lẫn căn cước dân tộc, cũng thiếu cả quan tâm chính trị, trí thức và thanh niên Hồng Kông đã tổ chức được cuộc đấu tranh vì dân chủ trên một qui mô lớn. Chúng ta có rất nhiều điều để học hỏi ở họ nhưng điều quan trọng nhất là đừng rút ra những kết luận quá vội vã, đừng để cho cây che khuất rừng, đừng để ngoài mặt che khuất nội dung, đừng tưởng băng đảo chỉ có phần nổi. Cuộc đấu tranh của thanh niên Hồng Kông không đột xuất, phong trào Hòa Bình Chiếm Trung không tự phát và cũng không phải chỉ mới có từ tháng 3/2013. Hoàng Chi Phương (Joshua Wong) không phải là một thần đồng tự nhiên xuất hiện. Tất cả nằm trong kịch bản của một cuốc đấu tranh có tổ chức và được chuẩn bị từ rất lâu rồi, ngay trước khi Hồng Kông được chuyển giao cho Trung Quốc. Chúng ta có thể tin như vậy khi nhìn cách mà họ tổ chức những cuộc biểu tình và chiếm đóng, cách mà họ cùng hô những khẩu hiệu, những diễn văn đã được nói và những tuyên ngôn đã được công bố. Năm 2003 họ đã động viên được 500.000 người. Hãy thử so sánh với những cuộc biểu tình tại nước ta. Một bên rầm rộ và đầy khí thế vì có chuẩn bị, có tổ chức và lãnh đạo, một bên ít người và hỗn độn, vô tổ chức; chỉ giống nhau ở một điểm là tại Việt Nam cũng như tại Hồng Kông chính quyền đã gửi bọn côn đồ tới phá đám.
Chúng ta có nhiều kết luận bổ ích có thể rút ra từ những gì đã và sẽ còn xảy ra tại Hồng Kông nhưng kết luận quan trọng nhất vẫn là điều mà đáng lẽ chúng ta phải biết từ lâu rồi: đấu tranh chính trị luôn luôn chỉ có thể là đấu tranh có tổ chức, và tổ chức chỉ có thể là thành quả của những cố gắng thông minh và kiên trì trong nhiều năm; động viên quần chúng biểu tình chỉ là giai đoạn cuối cùng của lộ trình vận động dân chủ.
Như vậy điều quan trong nhất trong lúc này là xây dựng tổ chức, cả tổ chức chính trị lẫn tổ chức xã hội dân sự. Phần còn lại chỉ là thứ yếu, hoặc phù phiếm.
Trước hết hãy nhìn vào tình trạng đặc biệt của Hồng Kông để thấy rõ những khó khăn của những người dân chủ tại đây và ngưỡng mộ thành quả của họ.
Chính quyền Hồng Kông tin chắc rằng những cuộc biểu tình này không thể lật đổ họ và họ có lý. Họ có lực lượng cảnh sát và hậu thuẫn của cả Bắc Kinh lẫn giới chủ nhân. Thêm vào đó là sự thụ động của một quần chúng không có thói quen quan tâm đến chính trị. Hồng Kông là một nhượng địa của người Anh trước khi được trao trả cho Trung Quốc. Một chế độ thuộc địa chuyển giao cho một chế độ độc tài toàn trị. Nếu có một điều đáng chú ý trong cuộc chuyển giao này thì đó là người Hồng Kông đã hoàn toàn không muốn được "trở về nước mẹ". Trái lại họ còn lo âu, nhiều người đã ra đi. Sự kiện này phản ánh một thay đổi tâm lý của thế giới. Con người ngày nay khao khát tự do trước hết, đối với họ chẳng thà không có tổ quốc còn hơn có một tổ quốc hung bạo. Cùng một tâm lý đó đã khiến hàng triệu thuyền nhân Việt Nam bỏ nước ra đi sau ngày 30-04-1975 bất chấp sóng gió, công an và hải tặc.
Do lịch sử của nó Hồng Kông hầu như không có tinh thần quốc gia, liên đới dân tộc và nhu cầu căn cước, những động cơ cốt lõi của đấu tranh chính trị. Như một siêu thị, Hồng Kông chỉ có những vấn đề kinh tế chứ không có những quan tâm chính trị. Một cách giản dị - và dĩ nhiên không đúng lắm - Hồng Kông cho tới gần đây chủ yếu gồm hai loại người. Loại người thứ nhất là một nhóm rất nhỏ những tài phiệt rất giàu không cần gì cả vì đã có tất cả, quan tâm duy nhất của họ là lợi nhuận và họ ủng hộ Bắc Kinh bởi vì ngày nay trong chế độ cộng sản Trung Quốc "giàu có là vinh quang" (lời Đặng Tiểu Bình) và tiền cho phép có tất cả. Loại người thứ hai là khối người nghèo an phận, chiếm tuyệt đại đa số quần chúng, chỉ có một nguyện ước là được sống yên ổn vì dầu sao mức sống của họ cũng đã hơn hẳn những người Hoa Lục. Không có nơi nào mà chênh lệch giàu nghèo lớn như ở Hồng Kông. Sản lượng bình quân trên mỗi đầu người, khoảng 45.000 USD mỗi năm, cao hơn cả Châu Âu và Nhật, nhưng thu nhập của tuyệt đại đa số người Hồng Kông không được một phần năm (1/5) con số này, theo một thống kê gần đây, 16% không có nổi một phần mười (1/10). Hệ thống an sinh xã hội gần như không đáng kể. Hồng Kông chủ yếu là một trung tâm thương mại và không có những quan tâm chính trị của một dân tộc. Trong một bối cảnh như vậy, có được một ý thức chính trị đã là khó, giữ được ý chí đấu tranh còn khó hơn, động viên quần chúng là chuyện đội đá vá trời. Dù vậy cuộc đấu tranh vì dân chủ của Hồng Kông đã làm rung động thế giới. Người ta chỉ có thể khâm phục và ngưỡng mộ.
Những người dân chủ Hồng Kông là ai?
Họ là một thiểu số chỉ mới xuất hiện gần đây khi thành phố thương cảng này được chuyển giao cho Bắc Kinh và người dân bắt đầu lo sợ rằng chế độ toàn trị sẽ cướp đi của họ ngay cả những quyền con người cơ bản nhất; phần lớn thuộc một giai cấp trung lưu hình thành dần dần với thời gian.Trong các cuộc biểu tình hơn hai tuần qua cũng như trong trong hai cuộc biểu tình lớn trước đây vào năm 2003 - để phản đối một dự luật hạn chế quyền tự do ngôn luận và quyền tự do kết hợp- và ngày 01/07 vừa qua –nhân dịp kỷ niệm 17 năm ngày Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc - người ta có thể nhận xét hai điều: một là những người biểu tình rất trẻ, đại bộ phận trưởng thành sau năm 1997; hai là họ không hề trưng một lá cờ nào, dù là cờ Bắc Kinh hay một cờ nào khác. Họ chỉ bảo vệ những quyền tự do nền tảng đang bị đe dọa. Cuộc đấu tranh của họ thuần túy vì nhân quyền. Nó càng có chính nghĩa, nó vượt mọi biên giới và có sức lây lan sang những nước khác.
Lo âu của họ hoàn toàn chính đáng. Bắc Kinh quả thật đang muốn "giải quyết" vấn đề Hồng Kông. Lý do là vì một mặt Hồng Kông không còn trọng lượng kinh tế như trước nữa - 20% GDP của Trung Quốc năm 1997, 4% năm 2014 - nhưng mặt khác lại ngày càng trở thành một đe dọa cho chế độ cộng sản Bắc Kinh với những cuộc biểu tình, mít tinh, hội thảo về dân chủ và nhân quyền, những buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân của cuộc thảm sát Thiên An Môn.
Khi tiếp thu Hồng Kông, năm 1997, chính quyền Bắc Kinh đã cam kết tôn trọng nguyên tắc "một nước, hai chế độ" và còn hứa hẹn sẽ còn mở rộng hơn nữa những quyền tự do sau hai mươi năm, nhưng trên thực tế đã luôn luôn tìm cách làm ngược lại.
Năm 2002 họ đưa ra một dự luật cấm tiết lộ bí mật quốc gia, cấm các tổ chức nước ngoài hoạt động tại Hồng Kông và cấm các tổ chức Hồng Kông liên hệ với các tổ chức bên ngoài. Dự luật này khá mơ hồ để cho phép buộc tội bất cứ ai và giải tán bất cứ tổ chức nào. Những người dân chủ Hồng Kông đã phản ứng quyết liệt, với cao điểm là cuộc biểu tình ngày 01/07/2003 qui tụ 500.000 người, buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ.
Dự luật về thể thức bầu đặc khu trưởng từ năm 2017, nguyên nhân của những cuộc biểu tình trong hơn hai tuần qua, còn nguy hiểm hơn. Nó dự trù rằng người dân Hồng Kông sẽ chỉ được bầu người đứng đầu chính quyền Hồng Kông trong số vài ứng cử viên của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, theo đúng phương thức "đảng cử dân bầu" tại lục địa. Nói cách khác Đảng CSTQ sẽ trực tiếp cai trị Hồng Kông. Sự phản đối của những người dân chủ Hồng Kông không chỉ chính đáng mà còn bắt buộc. Chính vì thế mà dù thanh niên có thể mệt mỏi, người dân Hồng Kông có thể bị cản trở trong sinh hoạt hàng ngày khiến các cuộc biểu tình và chiếm đóng có thể tạm ngừng nhưng chúng sẽ tái phát. Bởi vì lý do và động cơ của thanh niên Hồng Kông vẫn còn nguyên vẹn. Đó là không để cho Bắc Kinh nuốt cam kết "nhất quốc lưỡng chế" và sáp nhập hẳn Hồng Kông. Đó là bảo vệ những quyền con người cơ bản không thể nhượng bộ vì cần cho mọi con người để có thể sống một cuộc đời xứng đáng. Thanh niên Hồng Kông không chỉ tranh đấu cho họ và thực ra cũng không tranh đấu cho một tương lai Hồng Kông vì không hề có một "căn cước Hồng Kông". Họ đang tranh đấu cho những giá trị phổ cập cần thiết cho mọi con người và mọi dân tộc. Họ là một đội tiền phong của một phong trào dân chủ đang dâng lên. Ngọn lửa Hồng Kông vì thế sẽ tràn vào lục địa Trung Quốc cũng như vào các nước độc tài còn lại tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Cũng nên nhìn rõ lý do tranh đấu của thanh niên Hồng Kông. Thực ra khách quan mà nói Bắc Kinh có lý khi đòi hỏi người cầm đầu Hồng Kông phải được họ chấp nhận, bởi vì Hồng Kông thuộc Trung Quốc. Nhưng người Hồng Kông đã phản đối bởi vì chế độ Bắc Kinh là một chế độ cộng sản, một chế độ chỉ biết có một công thức bầu cử bịp bợm "đảng cử dân bầu". Vấn đề đã không đặt ra nếu Trung Quốc là một nước dân chủ.
Điều quan trọng là cần ý thức rằng thanh niên Hồng Kông đã thắng lợi ngay cả nếu những cuộc biểu tình tạm ngừng dù Bắc Kinh chưa nhượng bộ. Mục đích chính của họ là để báo động với người Hồng Kông và dư luận thế giới về ý đồ của Bắc Kinh, mục đích này đã hoàn toàn đạt được.
Một kết quả cụ thể khác là công thức "một nước, hai chế độ" đã bị lố bích hóa, nó sẽ không còn thuyết phục được bất cứ một người Đài Loan nào. Ý chí độc lập từ nay là đồng thuận quốc gia của Đài Loan. Vấn đề thống nhất với Đài Loan không còn đặt ra nữa. Một tham vọng lớn của Bắc Kinh đã tiêu tan.
Trước mắt, dự luật bầu đặc khu trưởng có mọi triển vọng sẽ bị Hội Đồng Lập Pháp Hồng Kông bác bỏ trong cuộc biểu quyết năm tới bởi vì phe dân chủ có đủ số phiếu để đánh bại dự luật này nếu biết đoàn kết, và những cuộc biểu tình vừa qua đã có tác dụng đoàn kết đối lập dân chủ.
Bắc Kinh sẽ ứng xử ra sao?
Đàn áp đẫm máu như trường hợp Thiên An Môn hai mươi lăm năm trước thì chắc chắn sẽ bị lên án và trừng phạt, và kinh tế sẽ rất khốn đốn vì Trung Quốc rất cần thế giới. Hồng Kông cũng sẽ mất hết giá trị của một trung tâm tài chính và thương mại quốc tế để chỉ còn lại những cao ốc, nhưng Bắc Kinh đã có quá nhiều cao ốc không người ở.
Nhượng bộ bằng cách rút lại dư luật hay chấp nhận để dự luật bị Hội Đồng Lập Pháp Hồng Kông bác bỏ trong năm tới cũng rất khó vì tương đương với chấp nhận một sự ly khai trên thực tế của Hồng Kông.
Ngay trong trường hợp thuận lợi nhất cho Bắc Kinh là dự luật sẽ được thông qua thì từ đây đến đó và sau đó họ sẽ còn tiếp tục gặp một đối lập dân chủ ngày càng mạnh và tích cực có tất cả mọi triển vọng lôi kéo và động viên thanh niên trong lục địa.
Đàng nào Bắc Kinh cũng sẽ rất bối rối. Cái giá phải trả nếu sử dụng bạo lực sẽ quá lớn nhưng cái giá của sự nhượng bộ cũng rất lớn.
Lời kết xin dành cho Việt Nam
Trong một thành phố không có cả tinh thần lẫn căn cước dân tộc, cũng thiếu cả quan tâm chính trị, trí thức và thanh niên Hồng Kông đã tổ chức được cuộc đấu tranh vì dân chủ trên một qui mô lớn. Chúng ta có rất nhiều điều để học hỏi ở họ nhưng điều quan trọng nhất là đừng rút ra những kết luận quá vội vã, đừng để cho cây che khuất rừng, đừng để ngoài mặt che khuất nội dung, đừng tưởng băng đảo chỉ có phần nổi. Cuộc đấu tranh của thanh niên Hồng Kông không đột xuất, phong trào Hòa Bình Chiếm Trung không tự phát và cũng không phải chỉ mới có từ tháng 3/2013. Hoàng Chi Phương (Joshua Wong) không phải là một thần đồng tự nhiên xuất hiện. Tất cả nằm trong kịch bản của một cuốc đấu tranh có tổ chức và được chuẩn bị từ rất lâu rồi, ngay trước khi Hồng Kông được chuyển giao cho Trung Quốc. Chúng ta có thể tin như vậy khi nhìn cách mà họ tổ chức những cuộc biểu tình và chiếm đóng, cách mà họ cùng hô những khẩu hiệu, những diễn văn đã được nói và những tuyên ngôn đã được công bố. Năm 2003 họ đã động viên được 500.000 người. Hãy thử so sánh với những cuộc biểu tình tại nước ta. Một bên rầm rộ và đầy khí thế vì có chuẩn bị, có tổ chức và lãnh đạo, một bên ít người và hỗn độn, vô tổ chức; chỉ giống nhau ở một điểm là tại Việt Nam cũng như tại Hồng Kông chính quyền đã gửi bọn côn đồ tới phá đám.
Chúng ta có nhiều kết luận bổ ích có thể rút ra từ những gì đã và sẽ còn xảy ra tại Hồng Kông nhưng kết luận quan trọng nhất vẫn là điều mà đáng lẽ chúng ta phải biết từ lâu rồi: đấu tranh chính trị luôn luôn chỉ có thể là đấu tranh có tổ chức, và tổ chức chỉ có thể là thành quả của những cố gắng thông minh và kiên trì trong nhiều năm; động viên quần chúng biểu tình chỉ là giai đoạn cuối cùng của lộ trình vận động dân chủ.
Như vậy điều quan trong nhất trong lúc này là xây dựng tổ chức, cả tổ chức chính trị lẫn tổ chức xã hội dân sự. Phần còn lại chỉ là thứ yếu, hoặc phù phiếm.
Nguyễn Gia Kiểng
Nguồn: http://ethongluan.org
Ngày đăng 13/10/2014 [ngon-lua-hong-kong-va-chung-ta-ngk]
____________________
Tác phẩm chính luận đặc biệt:
Tổ Quốc Ăn Năn - Nguyễn Gia Kiểng (download PDF)
Đăng nhận xét