Quá trình hình thành đất đai, cư dân, làng xã của Thái Thụy nói chung và Thái Hà nói riêng, dù mới chỉ điểm sơ lược, nhưng cũng đủ dựng lại bức tranh lịch sử sinh động của quá trình đấu tranh hàng ngàn năm của những cư dân nơi đây đã phải trăn trở, kiên trì, vật lộn với thiên nhiên, biển cả, bão lụt, giặc giã.
Những con người từ khắp bốn phương hội tụ đã làm nên một kỳ tích phi thường bằng việc biến cả một miền đất “đầu sóng, ngọn gió”, vốn hẻo lánh hoang sơ đầy rẫy những gò đống, đầm lầy nhiễm mặn, đầy lau lác cỏ dại cùng bao mối hiểm nguy rình rập, trở thành vùng đất trù phú “bờ xôi, ruộng mật” như ngày nay.
Dù đã định cư, lập làng, nhưng những cư dân nơi đây vẫn còn phải thường xuyên đối mặt với mọi hiểm hoạ của thiên nhiên. Những người dân Thái Hà hẳn không quên câu nói “Cửa Tuần Vường phải nhường cửa Cun”. Cửa Tuần Vường, nơi ngã ba sông Hồng và sông Trà Lý ở Thượng Hộ (Đồng Thanh - Tam Tỉnh - Vũ Thư ngày nay), xưa kia nổi tiếng sóng lớn, vực xoáy, gió to, thuyền bè qua lại thường bị nhấn chìm. Dân trong vùng vẫn lưu truyền câu: “Một trăm cửa bể phải nể cửa Tuần Vường”. Vậy mà cửa Tuần Vường còn không thể so sánh với mối nguy hiểm của cửa Cun - Thái Hà. Chính tại ngã ba Cun, vực xoáy đã nhấn chìm thuyền của Hoàng Giáp Quách Hữu Nghiêm, khi ông đang trên đường về thăm quê, làm ông tử nạn.
Tuy thiên nhiên vẫn còn khắc nghiệt, nhưng nơi đây vẫn là miền đất hứa, càng về sau càng thu hút nhiều lớp cư dân về hội tụ, dần dần họ định cư tập trung thành ba cụm: cụm cư dân ở thượng nguồn gọi là thôn trên; cụm cư dân ở giữa gọi là thôn giữa; cụm cư dân ở hạ nguồn gọi là thôn dưới. Quá trình mở mang đất đai, dân cư ngày càng đông đúc, từ ba thôn đã hình thành nên làng Thuyền Quan.
Từ đường họ Đoàn. |
Làng Thuyền Quan nằm sát sông Trà Lý, thượng nguồn từ cống Quài, hạ nguồn đến cống Kênh; chiều dài theo đường chim bay khoảng 4km. Chiều rộng phía trên khoảng l,2km; chiều rộng phía dưới khoảng 1km. Giới hạn từ bờ sông Trà Lý đến giáp địa phận xã Trừng Hoài, ranh giới là đường Cầu Quài, đường tập binh làm mốc. Xưa kia, nhân dân đặt tên thôn theo địa dư: thôn trên, thôn giữa, thôn dưới cho dễ nhớ. Khi Nho giáo phát triển thành quốc giáo, chữ Hán được dùng rộng rãi, dần dần Việt hoá, không chỉ nhân dân sử dụng làm ngôn ngữ giao tiếp, mà còn được sử dụng phổ biến trong các văn bản và trong thi cử; lúc này, tên làng, tên thôn cũng được đặt theo chữ Hán: thôn trên gọi là La Mai, thôn giữa là Khê Quật, thôn dưới là Cù Khê.
Nguồn: Lịch sử ĐB&ND xã Thái Hà (1927-2005)
Ngày đăng: 18/09/2011
Đăng nhận xét